Đồng Nai: Phát triển các sản phẩm thế mạnh gắn với vùng trồng Bắc Kạn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương Gỡ vướng cho sản phẩm OCOP để phát triển đặc sản bản địa |
Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch
![]() |
Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa của huyện Chợ Đồn. |
Phát triển sản phẩm mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch cộng đồng là một hướng đi tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân địa phương và du khách. Do đó, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn. Đến nay, huyện Chợ Đồn duy trì 38 sản phẩm OCOP, trong đó 04 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao.
Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa của huyện Chợ Đồn. Từ đó hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Để duy trì sự bền vững trong phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện Chợ Đồn quan tâm chỉ đạo, định hướng các chủ thể OCOP thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay huyện Chợ Đồn đã thực hiện được 09 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp OCOP gồm: Sản phẩm Chè Shan tuyết Ngọc Thắng của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng; Hồng không hạt của HTX Tân Phong; Gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm; Trà hoa vàng của HTX Hoà Thịnh; Trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá; Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm Bắc Kạn của HTX Quỳnh Trang; Dâu tây của HTX thương mại và dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường; Phở khô và Bún khô của HTX Hồng Luân.
Các dự án đều triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của các hợp tác xã. Vườn dâu tây của HTX thương mại và dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường hiện đang rất "hút" khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Sản phẩm dâu tây của HTX có chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao, được thị trường ưa chuộng.
Lợi thế chưa được khai thác tốt
![]() |
Vườn Dâu tây của HTX Thương mại và dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường trở thành điểm check-in yêu thích cho du khách đến tham quan. |
Tuy nhiên việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Chợ Đồn còn gặp một số khó khăn. Theo đó, kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể mặc dù được quan tâm thúc đẩy nhưng vẫn chưa có sự phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiều lợi thế của địa phương về nông nghiệp, sản phẩm, lao động, văn hóa,… chưa được khai thác tốt. Nhiều địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; việc quảng bá, xúc tiến thương mại còn rất nhiều hạn chế.
Ông Đặng Đình Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: “Để phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, trong thời gian tới huyện Chợ Đồn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể kinh tế chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP; đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi ích, từ đó tạo dựng được một cộng đồng đoàn kết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản. Phát triển sản phẩm OCOP có giá trị cao, vừa tạo ra được sự khác biệt, tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng vừa mang giá trị vượt trội, giúp cải thiện đời sống cho người dân”.
Song song với đó, huyện Chợ Đồn tập trung phát triển du lịch cộng đồng tạo cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Đẩy mạnh giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, Tuần Văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.
Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần vào phát kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân sống ở khu vực nông thôn. Những kết quả đạt được bước đầu đã tạo tiền đề để huyện Chợ Đồn tiếp tục gắn phát triển sản phẩm OCOP với khai thác du lịch bản sắc văn hóa nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công. Qua đó nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng bền vững./.