Hương án chùa Keo được công nhận là bảo vật Quốc gia Công nhận 27 bảo vật quốc gia Chiêm ngưỡng "bảo vật quốc gia" mới của tỉnh Nam Định: Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh |
![]() |
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia. |
Phù điêu Kala Núi Bà là một di vật quan trọng thuộc nền văn hóa Champa, mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm (hay phong cách Bình Định). Hiện vật này được phát hiện vào năm 1993, tại di tích Núi Bà, thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Đây là hiện vật duy nhất, thuộc phong cách Tháp Mẫm muộn, là chiếc đầu Kala cuối cùng, có niên đại muộn nhất. Đến nay chưa phát hiện được chiếc đầu Kala nào có niên đại sau thế kỷ XIV.
Hiện phù điêu Kala Núi Bà cơ bản còn nguyên vẹn, chỉ duy nhất phần mũi sứt mẻ, tác phẩm được chế tác từ đá túp Riolit Đaxit, có kích thước cao 60 cm, đế rộng 44 cm, dày 17 cm và nặng 105,5 kg. Phù điêu có hình dáng lá nhĩ với đế bằng và đỉnh nhọn. Khuôn mặt Kala được khắc họa một cách tỷ mỉ và tinh xảo, biểu trưng cho thần Shiva - đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ trong Ấn Độ giáo.
![]() |
Tác phẩm Phù điêu Kala Núi Bà được công nhận bảo vật quốc gia. |
Về đặc điểm tạo hình, phù điêu Kala được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt phía trước thể hiện khuôn mặt Kala nhìn thẳng về phía trước. Kala có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài thò ra ngoài, trong đó gồm có 2 răng nanh và 6 răng cửa; 2 răng nanh ở hai bên dài hơn và nhọn. Môi trên cong. Râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng. Hai bên miệng mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên. Mũi Kala to tròn, sống mũi ngắn và gãy. Hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc. Trán dô, trên trán có chuỗi hạt hình tròn. Bờm dày tạo thành 4 lớp.
Theo PGS.TS. Bùi Chí Hoàng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Kala được phát hiện trong các di tích Chăm giai đoạn sớm được tạo tác trên nền chất liệu đất nung (Mỹ Sơn) và tạo tác trên chất liệu đá chỉ xuất hiện trong giai đoạn muộn thuộc phong cách Bình Định mà điển hình là di tích Dương Long.
Kala (Phú Yên) với tạo tác trên nền khồi đá hình lá nhĩ, đường nét chạm khắc tinh tế, bố cục và kỹ thuật tạo hình đã tạo nên một Kala có thần thái riêng, độc đáo so với các Kala phát hiện trong các di tích Chăm khác. Kala (Phú Yên) có niên đại khoảng thế kỷ XIV, là di vật đạt đỉnh cao kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật điêu khắc của Văn hóa Chăm, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.
![]() |
Nhiều người tham quan Phù điêu Kala Núi Bà. |
Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, phù điêu Kala Núi Bà là hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện trong hố khai quật di tích núi Bà. Sau khi được phát hiện và đưa về bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên, phù điêu Kala đã được nhiều chuyên gia về văn hóa Champa quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa.
“Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và di sản văn hóa Champa nói riêng”, ông Đào Mỹ chia sẻ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị bảo vật quốc gia Kala Núi Bà trên các phương tiện truyền thông và có kế hoạch để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong phát triển du lịch.