Loại trà quý, giá khủng, ức chế được tế bào ung thư đã "bén rễ" ở Đắk Nông Thái Nguyên đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương |
Một “thợ” hái trà chuyên nghiệp hái trà Mã Dọ trên đỉnh núi cao hơn 700m. Ảnh: Ngô Xuân |
Nguồn gốc trà Mã Dọ
Theo Đại Nam nhất thống chí, trong dãy Cù Mông có núi Mã Vụ, núi rất cao lớn, có sinh sản trà, đương thời gọi là “trà xanh Mã Vụ”. Bản chữ Hán sách này chép chữ “vụ” là sương mù. Các cụ già ở Phú Yên thì gọi là Mã Võ, với lời giải thích xa trông giống như con ngựa múa. Miền Nam đọc võ, miền Bắc đọc vũ. Vũ cũng đọc là vụ. Vậy Mã Võ (Mã Vũ) hay Mã Vụ?
Ngựa múa hay ngựa trong sương mù? Cả hai cách gọi đều nói lên dáng núi, và hiểu theo cả hai cách, có thể tạo ra một hình ảnh đẹp hơn. Con ngựa múa trong sương mù, phải chăng từ buổi sáng ấy, đoàn kỵ binh của Lương công từ Quy Nhơn phi vào đang tung vó ngựa vượt Cù Mông?
Một gia đình mấy đời hái chè dưới chân đảnh Cù Mông giải thích, theo truyền tụng trong làng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy qua đây, ông thấy một loại cây có lá hình thù giống lá chè, bèn ra lệnh cho quân lính dừng ngựa lại (mã dọ, tiếng địa phương nghĩa là dừng ngựa lại, giống như dọ bò để nó dừng lại). Hái lá nấu nước uống xong, đoàn quân Nguyễn Ánh thấy khỏe hẳn rồi tiếp tục hành trình “Gia Long tẩu quốc”. Khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ lại chuyện cũ bèn lệnh cho quan tuần vũ Sông Cầu khuyên người dân nên uống thứ chè này, vì nó tốt cho sức khỏe.
Anh Võ Anh Dũng, một người dân Sông Cầu chia sẻ, những năm 80-90 thế kỷ trước, anh và bạn bè thường đi săn thú ở đèo Cù Mông, lúc nghỉ ngơi, được các cụ già sống dưới chân phía Nam đèo Cù Mông (địa phận Phú Yên), kể lại vua Gia Long đã để lại dấu ấn cho vùng Cù Mông hai sản vật: Một là đồi chè vua Gia Long trên sườn núi cao đảnh Cù Mông, gọi là "chè đảnh". Hai là “tiêu đảnh", giống hồ tiêu đọt tím Phú Quốc, cây bò lên những phiến đá to như tòa nhà, không trồng theo nọc. Đặc biệt, giống tiêu này chỉ trồng được ở phía Nam đèo Cù Mông.
Anh Dũng từng được thưởng thức cả hai loại sản vật tuyệt vời đó. Chỉ tiếc, giờ “tiêu đảnh" đã không còn, "chè đảnh" cũng chỉ còn một vài cây sót lại giữa rừng.
Cách giải thích thứ hai, cũng theo người dân địa phương, nó là chè mỏ vọ, vì khi phơi lá chè cong lại như mỏ con chim cú vọ. Nhưng dân Phú Yên đọc mỏ vọ rất khó nên quen gọi mỏ dọ (giống như vợ là dợ, vũ là dũ...). Riết rồi đọc chệch thành mã dọ!
Cách giải thích theo hình thức bảo quản chè. Ban đầu, loại chè này có tên là bó rọ. Vì chè sau khi được hái về, người dân bó thành từng bó, như bó rọ, buộc bằng dây chuối rồi treo lên gác bếp để bảo quản và uống dần. Một cách giải thích nữa, thực chất nó là giống chè đen, khi các quan Pháp làm việc tại Sông Cầu, tỉnh lỵ Phú Yên một thời, họ đem giống trà đen này qua trồng để sử dụng hàng ngày. Gặp khí hậu mát lạnh trên đảnh Cù Mông và thổ nhưỡng núi giáp biển nên đã tạo nên hương vị đặc biệt của loại chè này…
Tỉ mỉ từ khâu thu hái đến chế biến
Theo một người làm nghề hái trà núi, Trà Mã Dọ mọc tự nhiên trên các dãy núi cao, hưởng nước trời, sương sớm, nên số lượng không nhiều. Bình quân mỗi ngày, một người đi hái trà chuyên nghiệp cũng chỉ hái được khoảng 1-4kg trà tươi (4kg trà tươi được 1kg trà khô); người không chuyên thì chỉ được phân nửa.
Trà hái về, người ta chọn những búp trà non xé nhỏ rồi rải ra cho héo. Sau 2 giờ, những ngọn trà hơi héo được mang ra vò, chà cho đến khi ngọn trà nhàu nát sẽ được ủ chín trong 3-4 giờ. Khi trời vừa sáng thì trà được phơi nắng cho chín tới, có mùi thơm là được. Ðiểm khác biệt của trà Mã Dọ là lá trà khô có màu đen, khi pha sẽ ra màu đen rồi nhạt dần thành màu hồng cánh sen rất đẹp mắt. Khi uống, trà có vị chát nhẹ, sau đó chuyển sang vị ngọt, hương thơm lưu giữ rất lâu.
“Nếu không biết vò, ủ đúng cách, trà không chín và có mùi hôi ê, vị trà cũng nhạt nhẽo, khó uống. Người làm nghề vừa phải tỉ mỉ, vừa có kỹ thuật và thực sự có tình yêu trà mới làm được ra đúng vị trà ngon”, người gắn bó cả đời với nghề hái và chế biến trà núi ở Xuân Lộc, cho hay.
Nhiều năm nay, người dân Xuân Lộc sử dụng trà Mã Dọ như một loại thuốc chữa ho và các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Người ta dùng lá trà già vò nấu nước tắm để chữa ghẻ, ngứa, rôm sảy cho trẻ em hoặc lấy lá trà tía cho phụ nữ mới sinh uống lợi sữa, ăn ngon, ngủ tốt. Gần đây, một số hộ dân ở xã Xuân Lộc còn khéo léo ngâm trà Mã Dọ với rượu Quán Ðế, cho ra đặc sản rượu Quán Ðế trà Mã Dọ. Hiện trà Mã Dọ có giá từ 1,6-2,5 triệu đồng/kg tùy thời điểm.
Trà Mã Dọ là một loại trà xanh, mọc tự nhiên trên các đỉnh núi cao từ 500-700m so với mặt nước biển. |
Nỗ lực bảo tồn giống trà quý
Là loại cây quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nhưng việc khai thác quá mức và không có kế hoạch bảo tồn nên cây trà Mã Dọ (TX Sông Cầu) đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế của loài cây này, cũng như cần phải bảo tồn giống trà đặc hữu ở vùng đất Phú Yên, từ nguồn ngân sách, TS Văn Thị Phương Như (Trường đại học Phú Yên) và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu để nhân giống, bảo tồn cây trà Mã Dọ.
TS Văn Thị Như Phương và các cộng sự tiến hành di thực 3 cây trà Mã Dọ từ rừng về vườn ươm để trồng và nghiên cứu, sau đó chọn những cành khỏe để tiến hành giâm hom… nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. Vì vậy, để phục tráng cây trà Mã Dọ, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro.
Tháng 12/2022, sau gần 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm bằng nhiều phương pháp, nhóm đã thành công khi nhân giống invitro được 10.000 cây trà Mã Dọ để đưa ra vườn ươm, trồng thực nghiệm tại xã An Xuân (huyện Tuy An) và xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Mặt khác, chủ nhiệm đề tài và các cộng sự tiếp tục ươm tạo và nuôi cấy hàng ngàn mẫu mô phôi cây trà Mã Dọ để chuyển giao cho ngành Nông nghiệp và người dân có nhu cầu; đồng thời tiến hành thu hoạch trà búp tươi và xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến trà Mã Dọ thương phẩm.
Là người tham gia đề tài, ông Võ Đình Phiên (người dân ở xã Xuân Hải) cho biết: “Hằng năm cứ vào tiết lập xuân, người dân lại lên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ về nấu uống. Một số người còn lấy trà Mã Dọ sấy khô, ngâm rượu bán cho khách thập phương. Nhưng việc bảo tồn và phát triển thế nào thì không ai quan tâm, nên cũng chỉ còn sót lại vài cây ở rừng. Hiện nay, nhờ TS Như và cộng sự mà cây trà Mã Dọ được phục tráng. Hiện tôi được hướng dẫn cách trồng và chăm sóc loài cây này nên vui lắm! Tôi mong sau khi đề tài nghiệm thu sẽ sớm chuyển giao quy trình trồng và sản xuất trà Mã Dọ cho người dân chúng tôi để phát triển kinh tế”.
Theo TS Văn Thị Phương Như, sau thời gian triển khai, đến nay đề tài đã hoàn thành. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ; xây dựng quy trình, chăm sóc, thu hoạch trà; xây dựng quy trình sản xuất và chế biến trà Mã Dọ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những búp trà non xanh được người dân thu hoạch về. |
“Việc nghiên cứu và phát triển thành công không chỉ bổ sung dẫn liệu về đặc điểm thực vật học, mà còn là cơ sở dữ liệu về tính thích ứng của cây trà Mã Dọ ở TX Sông Cầu để có kế hoạch định hướng bảo tồn và phát triển trong thời gian đến”, TS Văn Thị Phương Như chia sẻ.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, kết quả đề tài Nghiên cứu và phát triển cây trà Mã Dọ đã hoàn thành mục tiêu đề ra, được hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao, có ý nghĩa thực tiễn khi xác định được các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây trà Mã Dọ, góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển cây trà tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Kết quả này là cơ sở để chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh cho phép giao Sở NN&PTNT xây dựng dự án trồng trà Mã Dọ trên địa bàn TX Sông Cầu hoặc có thể mở rộng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, Tuy An. Các cấp, ngành liên quan sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu, sản phẩm OCOP cho trà Mã Dọ để góp phần quảng bá sản phẩm thương mại trong thời gian đến.
Trà Mã Dọ là một loại trà xanh, mọc tự nhiên trên các đỉnh núi cao từ 500-700m so với mặt nước biển; rải rác ở các đỉnh núi giáp ranh giữa Phú Yên và Bình Ðịnh. Trà Mã Dọ ngon nhất khi được hái vào mùa xuân (từ lúc lập xuân đến hết tháng 3 âm lịch). |
Đưa thương hiệu chè Việt Nam ra thế giới thông qua du lịch |