"Bén duyên" với trà hoa vàng
Trong hành trình đi tìm thảo dược, chị Mai Thị Thái (xã Đắk Búp So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã biết đến giống trà hoa vàng. Thông qua bạn bè, chị cũng đã biết được ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… có một số giống trà hoa vàng quý hiếm. Do đó, chị Thái đi đến nơi để tìm hiểu về loại cây này. Cũng từ đó, chị Thái đã “bén duyên” với cây trà hoa vàng.
Cận cảnh trà hoa vàng quý hiếm. |
“Trong những lần đi tìm hiều về cây trà hoa vàng, tôi thấy các thương lái người Trung Quốc đã mua với giá cao và thu gom tất cả rễ, cành, lá của cây trà hoa vàng. Có lúc giá trà hoa vàng thô trên thị trường lên đến 1,6 triệu đồng/kg, nên người dân vào rừng sục sạo lấy về bán. Vì thế mà cây trà hoa vàng ở nhiều địa phương trở nên khan hiếm, có nguy cơ biến mất”- chị Thái cho biết.
Thấy loài trà quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chị Thái đã quyết tâm tìm tòi, đưa trà hoa vàng về trồng tại khu rừng dọc bờ suối Đắk Buk So. Ngoài một số giống trà hoa vàng tại các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Đắk Lắk… chị Thái cũng đã trồng thành công cây trà hoa vàng đặc hữu trong các khu rừng tự nhiên của Đắk Nông.
Những giống trà hoa vàng quý hiếm được chị Thái mang về trồng dưới tán rừng. |
Theo chị Thái, Việt Nam có 95 loài trà bản địa, trong đó nhóm trà hoa vàng đang được quan tâm phát triển vì có giá trị cảnh quan và dược liệu. Theo kết quả điều tra, Đắk Nông được xem là một trong các vùng đặc hữu của các giống, loài trà hoa vàng. Trong tổng số 13 loài trà hoa vàng được phát hiện ở Tây Nguyên thì có 3 loài phân bố ở Đắk Nông.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do những vùng giáp ranh có một số điều kiện tự nhiên tương đồng nên chắc chắn Đắk Nông vẫn còn nhiều loài trà hoa vàng chưa được phát hiện. “Do đó, việc nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trà hoa vàng ở Đắk Nông là cần thiết. Cùng với đó là tiến hành các nghiên cứu nhân giống để thực hiện công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ, phát triển sản phẩm thương mại, thẩm mỹ của các loài trà hoa vàng địa phương” – Chị Thái nói.
Cũng theo chị Thái, huyện Tuy Đức có đặc điểm sinh thái phù hợp với cây trà hoa vàng. Đây là điều kiện giúp cây sinh trưởng, phát huy ưu thế về dược tính đặc trưng. Do đó, việc xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng không chỉ giúp bảo tồn các giống trà bản địa, phát triển bền vững rừng, bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp.
Trà hoa vàng quý hiếm vì sao?
Theo các tài liệu khoa học, trà hoa vàng có chứa hàm lượng lớn hoạt chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan. Một số tài liệu cho biết, trà hoa vàng hỗ trợ và tác động vào quá trình điều trị u ác tính, ngăn ngừa nhiều căn bệnh ung thư, ức chế phát triển virus HIV.
Giống trà hoa vàng được trồng tại Đắk Nông đang mang tới kỳ vọng sẽ tạo ra được giá trị đích thực của nó như được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, |
Loại trà này còn giúp giảm nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não và điều trị chứng huyết áp cao hiệu quả; giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa nhiều bệnh lý về tim mạch.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Mai Thái Tây Nguyên do chị Thái đại diện đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng mô hình phát triển cây trà hoa vàng (camellia spp.) bản địa gắn với du lịch sinh thái tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông”.
Đề tài đã được trình Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông đánh giá, thẩm định. Theo đó, trong 3 năm đầu, doanh nghiệp Mai Thái Tây Nguyên sẽ tiến hành điều tra thành phần loài, đặc điểm sinh học, sinh thái các loài trà hoa vàng phân bố ở tỉnh Đắk Nông.
Một trong những giống trà hoa vàng được chị Thái đưa về trồng đang phát triển tốt. |
Đề tài cũng phân tích các hợp chất cơ bản trong các các loài trà hoa vàng được điều tra. Cùng với đó, đề tài khảo nghiệm và nhân giống từ 1 – 2 loài triển vọng, xây dựng 2 mô hình trồng dưới tán rừng cũng như sản xuất từ 1 – 2 dòng sản phẩm từ nguyên liệu trà hoa vàng. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Mai Thái Tây Nguyên sẽ xây dựng vườn cảnh quan, quản bá sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Theo bà Phan Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, những năm qua, huyện đã chú trọng triển khai kế hoạch phát triển cây dược, trong đó có chương trình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Mô hình thử nghiệm trồng trà hoa vàng dưới tán rừng bước đầu đạt được thành công nhất định, Hội Nông dân tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để mô hình này đạt hiệu quả.
“Bây giờ, mọi công việc chuẩn bị mở rộng mô hình trồng trà hoa vàng đã hoàn tất. Tôi rất kỳ vọng với mô hình này vì mình phát triển thuận theo tự nhiên nên sẽ mang lại giá trị đích thực”- Chị Thái chia sẻ.