![]() |
Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn một số xã của tỉnh Lào Cai |
Lào Cai là một tỉnh miền núi với 25 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số có phong tục tập quán lâu đời, ảnh hưởng đến đời sống và nhận thức của người dân. Theo thống kê, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở một số xã vùng cao của Lào Cai đã có chiều hướng giảm song chưa thực sự bền vững, một phần bởi ý thức người đồng bào vẫn coi rằng đây là việc diễn ra hết sức bình thường.
Tảo hôn là hiện tượng kết hôn trước độ tuổi quy định của pháp luật, thường xảy ra ở các cô gái trẻ dưới 18 tuổi. Hôn nhân cận huyết thống là hình thức kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần, như anh chị em ruột, chú cháu, cô cậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thế hệ sau. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mà còn làm chậm quá trình phát triển chung của xã hội.
Đối tượng của vấn nạn này chủ yếu là các trẻ em gái dưới 18 tuổi, lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường nên trường học có vai trò quan trọng trong giáo dục và định hướng phát triển nhận thức con người, là một trong những nền tảng quan trọng trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nâng cao nhận thức cộng đồng: Với vai trò là chủ thể giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, các trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là trung tâm giáo dục giá trị đạo đức, lối sống, định hướng nhận thức cho học sinh và cả cộng đồng xung quanh. Qua các môn học như giáo dục công dân, sinh học, ngữ văn, các trường có thể truyền đạt những kiến thức cơ bản về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giúp học sinh nhận thức rõ ràng về vấn đề này.
Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo khoa học với đa dạng hình thức như sân khấu hóa, thi vẽ tranh, hình ảnh trực quan sinh động, phát tờ rơi, thông qua mạng xã hội, tập huấn kỹ năng truyền thông cũng là cơ hội để học sinh trao đổi và tìm hiểu thêm về các vấn đề xã hội.
Cuối năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Bắc Hà đã tổ chức buổi tuyên truyền về công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở xã Bản Phố, thu hút đông đảo các em học sinh người Mông tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành tốt chủ trương, chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
![]() |
Buổi tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai). |
Giáo dục về quyền và nghĩa vụ của trẻ em và phụ nữ: Trong chương trình giảng dạy, thường xuyên lồng ghép, tích hợp nội dung về quyền của trẻ em, quyền phụ nữ và quyền được tự do lựa chọn bạn đời vào các bài giảng. Việc giáo dục về quyền lợi của học sinh, đặc biệt là các học sinh nữ, giúp các em hiểu rõ hơn về quyền lợi của bản thân và giúp các em tự tin hơn trong việc đứng ra phản đối những hành vi tảo hôn. Bằng cách này, trường học đóng vai trò là nơi khởi nguồn của sự thay đổi nhận thức và hành vi trong cộng đồng.
Tạo môi trường học tập và phát triển lành mạnh: Các trường học, đặc biệt là những trường nội trú và bán trú là nơi giúp học sinh phần nào tránh xa những tác động xấu từ môi trường sống hoặc xã hội. Bởi các em học sinh tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản thuộc đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, tày, Nùng, ... nên việc được tham gia vào các hoạt động học tập, thể thao, văn hóa sẽ giúp các em học sinh phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần, giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại, đồng thời hạn chế tình trạng bỏ học sớm dẫn đến tảo hôn. Các em sẽ nhận thức được giá trị của việc tiếp tục học hành và theo đuổi ước mơ thay vì kết hôn và sinh con khi còn quá trẻ.
Hợp tác với các tổ chức, cơ quan chức năng: Các trường học luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý như UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn như phòng Giáo dục, phòng Dân tộc huyện, các tổ chức đoàn thể, ... để đồng bộ trong công tác quản lý, kiểm soát, tổ chức bảo vệ quyền trẻ em và triển khai các chương trình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bằng cách này, trường học có thể góp phần tạo nên một mạng lưới bảo vệ học sinh, hỗ trợ các em gặp khó khăn, đồng thời giúp đỡ gia đình các em trong việc thay đổi nhận thức và hành vi.
Trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các trường học trên địa bàn xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà và xã Cao Sơn, huyện Mường Khương và một số trường, điểm trường một số xã thuộc huyện Bát Xát, Si Ma Cai tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống[1] với sự tham gia của đông đảo các em học sinh và giáo viên nhà trường.
Để làm tốt vai trò là nơi nuôi dưỡng và tiếp tục phát triển tư duy, nhận thức con người, đặc biệt trong vấn đề phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó góp phần xóa bỏ tệ nạn này, các trường học cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Đào tạo giáo viên về kiến thức và kỹ năng phòng, chống tảo hôn: Giáo viên là những người trực tiếp truyền đạt kiến thức và giáo dục cho học sinh, đặc biệt đối tượng người học tại các xã nghèo của tỉnh Lào Cai là các em học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Do đó, việc đào tạo giáo viên về ngôn ngữ dân tộc, các kiến thức trong lĩnh vực tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và kỹ năng tư vấn, góp ý cho học sinh là vô cùng cần thiết. Các giáo viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức về các vấn đề xã hội này, cũng như kỹ năng xử lý tình huống để có thể giúp đỡ học sinh và gia đình họ.
![]() |
Một buổi tuyên truyền về pháp luật và truyền thông về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Bản Liền, huyện Bắc Hà. |
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý và cộng đồng: Các trường học cần duy trì mối liên hệ mất thiết với gia đình để cùng nhau đồng hành và bảo vệ các em học sinh đặc biệt là học sinh nữ trong việc nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và các để nắm bắt, tìm hiểu thông tin. Các trường học có thể tổ chức buổi họp phụ huynh để truyền đạt kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giúp phụ huynh hiểu rõ tác hại của những vấn đề này. Đồng thời phối hợp với UBND các cấp, các phòng, ban chuyên môn để tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo ra các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có nguy cơ tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống để giảm thiểu tình trạng này.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi về quyền trẻ em và phòng, chống tảo hôn: Trong khuôn khổ các hoạt động chung của nhà trường, cần tổ chức thường niên các hoạt động ngoại khóa, hội thi, cuộc thi viết, vẽ tranh, hay diễn đàn về quyền trẻ em và phòng, chống tảo hôn để thu hút sự tham gia của học sinh và cộng đồng. Các hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu biết thêm về các vấn đề xã hội mà còn tạo cơ hội để các em tụ tin thể hiện quan điểm và sự sáng tạo của mình.
Cung cấp hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho học sinh: Tảo hôn có thể xảy ra do sự thiếu hiểu biết hoặc ảnh hưởng từ các vấn đề tâm lý trong gia đình. Các trường học cần có các chuyên gia tâm lý hoặc nhân viên tư vấn để hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các em gái, trong việc giải quyết những khó khăn về tâm lý và gia đình, giúp các em tự tin vào quyết định của mình và tìm được hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Lên kế hoạch xây dựng các chương trình tư vấn tâm lý trong trường học cũng có thể giúp học sinh vượt qua áp lực hôn nhân sớm, đồng thời tạo ra môi trường để các em nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Trong bối cảnh tỉnh Lào Cai, với nhiều xã vùng cao còn gặp khó khăn về nhận thức và điều kiện sống, các trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Chỉ khi nào xã hội nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trong việc phòng, chống tảo hôn, chúng ta mới có thể xây dựng được một xã hội phát triển bền vững và công bằng hơn.
![]() |