Cơ hội và thách thức mới đối với ngành gỗ Xuất khẩu nông sản tới Hàn Quốc cần lưu ý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Hơn 1.000 doanh nghiệp “không nghỉ Tết”, Việt Nam xuất siêu trên 5,1 tỷ USD |
Lãnh đạo tỉnh An Giang đưa lô xoài hạt lép đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh TTXVN |
Ngày 19/2, Sở NN-PTNN tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc và ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị.
Theo đó, 13 tấn xoài hạt lép sản xuất theo hướng an toàn của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng, H.Chợ Mới, được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (trụ sở tại tỉnh Long An) mua để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên xoài hạt lép của tỉnh An Giang được xuất sang Hàn Quốc.
Sở NN-PTNT An Giang thông tin, lô xoài hạt lép xuất khẩu là xoài tượng da xanh, có trọng lượng 3 - 4 trái/kg, được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua với giá 32.000 đồng/kg, trong khi giá xoài thị trường chỉ hơn 20.000 đồng/kg. Do đây là loại xoài có trọng lượng nhỏ và hạt lép nên được gọi xoài xoài hạt lép.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết để trái xoài của An Giang xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới là cả sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là của hợp tác xã và nông dân H.Chợ Mới. Đây còn là cả quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan nhiều thử thách. Xoài phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối nguồn gốc, khiến về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn chiếu xạ…
Toàn tỉnh An Giang hiện có diện tích trồng xoài đạt 12.600 ha, sản lượng hơn 225.000 tấn/năm; trong đó H.Chợ Mới có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, với 6.400 ha. Nhờ đây mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đến nay, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP của H.Chợ Mới đạt 704 ha, với 41 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.
Cũng trong ngày 19/2, tại xã Nàn Ma, UBND huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tổ chức lễ xuất khẩu container củ cải muối đầu tiên của năm 2024 sang thị trường Nhật Bản.
Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam MISAKI cho biết, năm 2024 công ty tiếp tục phát triển mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thêm các trang thiết bị dây chuyền máy móc hiện đại, mở rộng nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng của khách hàng. Công ty phấn đấu sản phẩm củ cải muối sẽ xuất khẩu được nhiều hơn nữa sang thị trường Nhật Bản, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Ông Hoàng Nhị Sơn, Bí thư Huyện ủy Xín Mần cho biết thêm, phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, cùng với những kết quả bước đầu đạt được trong chương trình hợp tác liên kết chuối giá trị nông nghiệp, huyện Xín Mần sẽ tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI triển khai trồng, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm như: Củ kiệu, gừng, măng tre bát độ… xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản… Việc này sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững, xây dựng huyện Xín Mần ngày càng phát triển bền vững, toàn diện, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm. Ảnh Congthuong.vn |
Gần đây nhất, bà Đào Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm cho biết: “Chúng tôi vừa xuất khẩu hơn 4 tấn sản phẩm mỳ Chũ sang Anh và sắp tới, dự kiến sẽ xuất khẩu sang Mỹ”.
Bà Đào Thị Hương chia sẻ, hiện HTX đang có 10 dòng sản phẩm, ngoài mỳ trắng truyền thống, còn có mỳ Chũ Green Thuận Hương, mỳ gạo rau củ ngũ sắc như mỳ gạo lứt, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền đỏ, mỳ chùm ngây…
Toàn bộ sản phẩm được làm từ gạo bao thai Hồng, được trồng trên vùng đất đồi Chũ và rau củ quả trồng theo phương pháp VietGap; quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì mẫu mã đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ thế, sản phẩm mỳ của HTX không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất trên thế giới. “Năm 2023, HTX tiêu thụ được khoảng 250 - 400 tấn hàng, trong đó xuất khẩu được khoảng 60 tấn sang các thị trường: Nhật Bản, Anh, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc…” - bà Hương tiết lộ, đồng thời cho hay, đợt Tết này, HTX vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu, vừa mới xong đơn hàng đi Anh, lại tiếp tục đơn hàng xuất đi Lào.
Nói riêng về thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính bậc nhất nhưng HTX mỳ Trại Lâm đã xuất khẩu nhiều năm nay, riêng năm 2023 được hơn 13 tấn. Bà Hương nhớ lại, để tiếp cận thị trường của Nhật Bản, HTX đã mất gần 1 năm chuẩn bị.
“Đầu tiên, họ sang Việt Nam tìm hiểu sản phẩm, đồng thời gửi mẫu gạo, mẫu mỳ đi test ở các đơn vị trong nước mình và nước họ. Việc test sản phẩm này cũng diễn ra trong nhiều lần… mà không có sai lệch gì lớn, thì họ mới nhập sản phẩm của chúng ta” - bà Hương cho biết.
Đánh giá về xuất khẩu nông sản trong tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước và giá trị xuất khẩu nông sản cũng đều tăng. Trong đó, nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%... Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% (tăng 106,9%). Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,8% (tăng 95,9%) và Nhật Bản chiếm 7,4% (tăng 47,5%).
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Các chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp sẽ cán đích thành công, thậm chí vượt mục tiêu đề ra, bởi nhiều ngành hàng hứa hẹn có đột phá lớn. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyễn cho biết, năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả.
“Nguồn lực rau, quả của Việt Nam là rất lớn; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới. Dư địa của ngành hàng này còn nhiều. Điều quan trọng là làm thế nào để khai thác tốt các tiềm năng đó”, ông Đặng Phúc Nguyễn nói.
Tương tự, nhóm, ngành hàng thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, khi nhiều thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, gạo, lâm sản, các sản phẩm đồ gỗ cũng được ngành Nông nghiệp kỳ vọng có một năm phục hồi, khởi sắc để đưa giá trị xuất khẩu của toàn ngành lên cao.
Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức không phải là không có. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nông sản Việt đã có sự chuyển biến về chất lượng, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu, song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ bám sát các thị trường nhập khẩu lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng, như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.