![]() |
Đầu tháng 1/2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. |
Những tín hiệu khả quan
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI Hồ Chí Minh), năm 2023 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu gỗ ghi nhận tăng tưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đầu tháng 1/2024 tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, tháng 1/2024, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành này.
Ông Liêm cho rằng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cho thấy, tín hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2023. Tuy vậy bên cạnh tín hiệu tích cực trên, ngành gỗ xuất khẩu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước bối cảnh hiện nay, công tác xúc tiến thương mại hết sức cần thiết”- ông Liêm khẳng định và cho biết VCCI Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM), Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức VIFA EXPO 2024 nhằm góp phần kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống, đồng thời tìm kiếm và mở rộng khách hàng mới.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, tuy giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng lâm nghiệp vẫn có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay khi đạt con số khoảng 12,19 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 260.000 ha rừng và 127 triệu cây phân tán. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã được cấp là 455.205 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân trên 19,2 triệu m3/năm. Tổng diện tích rừng toàn quốc hiện nay là 14,79 triệu ha (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục duy trì, ổn định ở mức 42,02%. Trong năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng đã đạt 4.130 tỷ đồng, trong đó lần đầu tiên thu dịch vụ hấp thu và lưu giữ các-bon rừng đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản, các bên liên quan đã đưa ra nhiều ý kiến để thúc đẩy ngành lâm nghiệp, nhất là sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản phát triển trong thời gian tới.
Thông qua đó, các cơ chế, chính sách được kịp thời kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Cao Chí Công cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đánh giá cao sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2023, nhất là tháo gỡ được vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, ứng phó với các rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản.
Nhiều thách thức mới
![]() |
Khách tham quan gian hàng tại Hội chợ VIFA EXPO 2023. |
Theo ông Trần Ngọc Liêm, bên cạnh tín hiệu tích cực trên, ngành gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp đang trăn trở tìm khách hàng mới và muốn sản phẩm của họ phù hợp với thị trường mục tiêu đang nhắm tới. Việc làm hàng mẫu trong ngành gỗ khó khăn, cần tỉ mỉ trau chuốt, yêu cầu cao hơn so với các mặt hàng khác. Do đó việc doanh nghiệp phối hợp với khách hàng tạo ra mẫu mã mới là cơ hội để cho ra sản phẩm có chất lượng, uy tín thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường, đây là hướng đi mạnh dạn, linh hoạt và cần thiết.
Hiện nay vấn đề cước phí của hãng tàu sang 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ là Mỹ và Châu Âu bị gián đoạn khiến việc đáp ứng đơn hàng không kịp thời. Vận chuyển trục trặc khiến cước phí tăng lên, cụ thể là sang Mỹ giá cước trên 4.000 USD/container, gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gỗ về chi phí đầu vào.
Nhận định trong bối cảnh hiện nay, công tác xúc tiến thương mại hết sức cần thiết, VCCI TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM), Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024) nhằm góp phần kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường quốc tế.
Thông tin về hội chợ này, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cho biết: VIFA EXPO 2024 diễn ra từ ngày 26/2 đến 29/2 tại Trung tâm triển lãm Sky EXPO Việt Nam (Công viên Phần mềm Quang Trung - TP.HCM). Có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký tham gia gần 2.000 gian hàng trên tổng diện tích 36.000 m2. Trong đó, doanh nghiệp sản phẩm nội thất chiếm 61%, hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 8%, sản phẩm trang trí nhà cửa chiếm 19%, máy móc, phụ kiện, dịch vụ chiếm 12%. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt chiếm tỷ lệ 52%, còn lại là doanh nghiệp quốc tế đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo các chuyên gia, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững hiện mới chỉ đạt khoảng 10% tổng diện tích rừng sản xuất. Đây là những khó khăn rất lớn trong việc cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến, xuất khẩu trong thời gian tới.
Một vấn đề quan trọng khác mà ngành gỗ phải đặt mục tiêu sớm đạt được, đó là sản xuất xanh. Thực hiện được, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản sẽ có lợi thế hơn vì hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất xanh, có chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách hàng. Trong xu hướng tiêu dùng bền vững, ngành gỗ được hưởng lợi từ sở thích sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê-tông... Vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.