Thủ tục thuế vướng mắc vì địa chỉ và cơ quan thuế đổi tên
Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam triển khai mô hình chính quyền hai cấp và sắp xếp, sáp nhập nhiều đơn vị hành chính. Cả nước giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh/thành phố. Đây là bước cải cách lớn, hướng tới tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thuế. |
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thuế. Các lỗi thường gặp chủ yếu liên quan đến địa chỉ doanh nghiệp và tên cơ quan thuế không khớp giữa hồ sơ, phần mềm kế toán và hệ thống thuế.
Một kế toán doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM cho biết, trong ngày đầu tiên sau sáp nhập, công ty của chị phải dò từng địa chỉ khách hàng thủ công để xuất hóa đơn, do phần mềm kế toán chưa cập nhật địa danh mới. Việc này khiến thời gian lập hóa đơn kéo dài từ 5 phút lên tới 30–40 phút mỗi hóa đơn.
Tương tự, một công ty du lịch ở Hà Nội cũng gặp trục trặc khi nộp thuế. Hệ thống ngân hàng từ chối giao dịch vì tên cơ quan thuế thụ hưởng trên chứng từ chưa được cập nhật theo danh mục mới. "Chúng tôi phải gọi điện nhiều lần tới ngân hàng và cơ quan thuế để hỏi, rất mất thời gian", đại diện công ty chia sẻ.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các tập đoàn lớn cũng phải xử lý thủ công, chờ các bản vá phần mềm từ nhà cung cấp hoặc tự cập nhật lại hệ thống.
Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp
Các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán – thuế nhận định, những bất cập trên là điều khó tránh khỏi trong giai đoạn chuyển tiếp sau một cuộc cải cách hành chính lớn. Tuy nhiên, nếu các bên liên quan phối hợp chặt chẽ và chủ động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro.
Không đồng bộ dữ liệu: “nút thắt” lớn nhất
Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty Tư vấn Hanoitax, cho rằng nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử của đơn vị trung gian. Khi địa chỉ hành chính và tên cơ quan thuế thay đổi, nếu nhà cung cấp không kịp thời cập nhật, hệ thống sẽ không nhận diện được địa chỉ mới, khiến hóa đơn không thể phát hành.
Ngoài ra, bà Yến lưu ý, với các doanh nghiệp khai thuế trực tuyến qua eTax của Tổng cục Thuế, dữ liệu thường tự động đồng bộ. Nhưng với những phần mềm nội bộ hoặc từ bên thứ ba, kế toán cần chủ động chỉnh lại thông tin tỉnh/thành, địa chỉ và cơ quan thuế trước khi thực hiện các giao dịch.
Luật sư Hà Hải, Văn phòng Luật Hà Hải & Cộng sự, cũng nhận xét: "nhiều quy trình kỹ thuật chưa đồng bộ và thiếu hướng dẫn thống nhất từ phía cơ quan chức năng".
Hướng dẫn của cơ quan thuế
Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 2376/CV‑NVT ngày 10/7/2025, quy định: doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng địa chỉ cũ trên hóa đơn, chứng từ mà không bị coi là sai phạm, miễn sao thông tin mã số thuế và doanh nghiệp là chính xác.
![]() |
Đại diện Cục Thuế cho biết, ngành thuế đã khẩn trương chủ trì thiết lập và vận hành đường dây nóng, kết nối với 34 Thuế tỉnh thành để giải quyết nhanh các vướng mắc của doanh nghiệp. |
Đại diện Cục Thuế cho biết, ngành thuế đã khẩn trương chủ trì thiết lập và vận hành đường dây nóng, kết nối với 34 Thuế tỉnh thành để giải quyết nhanh các vướng mắc của doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà cung cấp phần mềm cũng cam kết nâng cấp hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật 24/7 cho khách hàng.
Thực tế, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, hệ thống thuế điện tử được chuyển đổi và cập nhật dữ liệu mới về địa danh các địa bàn. Theo Cục Thuế, hệ thống này cơ bản đã hoạt động trơn tru trên toàn quốc. Còn với các cơ quan có tính liên thông dữ liệu với cơ quan thuế, việc đồng bộ đang được hoàn tất để phục vụ các thủ tục có liên quan đến người nộp thuế.
"Mỗi cơ quan thuế địa phương phải bố trí đầu mối phối hợp kịp thời với Cục Thuế trong đảm bảo thông tin thông suốt, phản hồi, giải quyết nhanh chóng khó khăn của người nộp thuế", Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu.
Doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua giai đoạn chuyển tiếp?
Để giảm thiểu rủi ro và không bị gián đoạn hoạt động, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp thực hiện đồng thời nhiều biện pháp.
Trước hết, kế toán nên kiểm tra lại dữ liệu trong phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử, đảm bảo rằng địa danh, cơ quan thuế và các thông tin liên quan đã khớp với hệ thống mới. Với những phần mềm chưa tự động cập nhật, cần liên hệ nhà cung cấp để được hỗ trợ.
Doanh nghiệp cần rà soát mã địa lý trong hồ sơ quyết toán thuế, tránh tình trạng khai sai dẫn đến chậm quyết toán hoặc bị phạt.
Ngoài ra, doanh nghiệp không bắt buộc thay đổi địa chỉ trên giấy phép kinh doanh ngay lập tức, nhưng nên cập nhật khi có nhu cầu, để thông tin đồng nhất và tránh phiền phức sau này.
Doanh nghiệp nên dự trù thêm thời gian xử lý thủ tục hành chính trong thời gian đầu sáp nhập. Song song đó, cần chủ động theo dõi văn bản hướng dẫn mới nhất từ cơ quan thuế để điều chỉnh kịp thời.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Nhưng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, đòi hỏi cơ quan thuế, nhà cung cấp dịch vụ và chính doanh nghiệp cùng chủ động phối hợp.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, giai đoạn này chỉ là bước quá độ. Khi hệ thống dữ liệu được đồng bộ hóa, phần mềm được cập nhật và nhân viên kế toán được tập huấn, mọi thủ tục thuế sẽ trở lại nhịp nhàng.
Như ông Mai Sơn nhận định: "Việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các thủ tục hành chính về thuế là yếu tố then chốt giữ vững môi trường hoạt động ổn định, thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh",.