Xuất khẩu điều sẽ cán đích 3,2 tỉ USD trong năm 2020 Xuất khẩu điều vượt kế hoạch đề ra 3,05 tỷ USD Xuất khẩu điều thu về 3,64 tỷ USD, lộ diện 10 thị trường mua hạt điều lớn nhất của Việt Nam |
Giá trị tăng trong bối cảnh sản lượng sụt giảm
![]() |
Sản phẩm điều Việt Nam được đóng gói tại nhà máy trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – thị trường đang dẫn đầu tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị. |
Sau giai đoạn gặp khó khăn do diện tích trồng và năng suất suy giảm, ngành điều Việt Nam đã cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực khi giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, riêng tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 70 nghìn tấn điều, thu về 475,4 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lượng điều xuất khẩu đạt 346,8 nghìn tấn, với kim ngạch 2,36 tỷ USD. Dù sản lượng giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu vẫn tăng mạnh tới 20,4%.
Giá điều xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm đạt 6.805,4 USD/tấn, tăng gần 24% – mức tăng cao hiếm thấy trong nhiều năm. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành đang chuyển dịch từ xuất khẩu theo khối lượng sang chú trọng vào chất lượng và giá trị gia tăng.
Trung Quốc nổi lên như thị trường đầu tàu, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 65,7 nghìn tấn điều, trị giá khoảng 414,94 triệu USD – tăng 21,7% về lượng và 41,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2025 đạt 6.350 USD/tấn – cao nhất trong ba năm trở lại đây.
Theo ông Vũ Thái Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, Trung Quốc đang trở thành thị trường trọng điểm nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh. Giá điều xuất khẩu sang thị trường này hiện đã vượt Hoa Kỳ – điều chưa từng thấy trong nhiều năm trước đó.
Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như Hà Lan (tăng 22,4%), UAE (tăng 50,4%), Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ. Ngược lại, Australia là thị trường duy nhất trong nhóm 15 nước nhập khẩu điều lớn ghi nhận mức giảm mạnh, lên tới 16,1% về giá trị.
Diễn biến này phản ánh sự phân hóa trong cơ cấu thị trường: các điểm đến mới hoặc đang tăng trưởng mạnh chiếm ưu thế, trong khi một số thị trường truyền thống có dấu hiệu chững lại. Việc theo dõi sát biến động từng khu vực sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định sản xuất và phân phối hợp lý của doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Phát triển chất lượng, chế biến sâu và thương hiệu
![]() |
Các dòng sản phẩm điều chế biến sâu như hạt rang, hạt tẩm gia vị giúp nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng xu hướng tiêu dùng cao cấp tại nhiều thị trường. |
Với mục tiêu đạt 4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025, ngành điều Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị phần quốc tế. Theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), ngoài các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay EU, Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác các khu vực tiềm năng như Trung Đông (UAE, Ả Rập Xê Út), nơi nhu cầu điều tăng mạnh nhưng thị phần còn khá khiêm tốn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh rằng để mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải chủ động xúc tiến thương mại, đặc biệt với những quốc gia có yêu cầu cao về tiêu chuẩn. Riêng thị trường EU – đứng thứ ba về nhập khẩu điều từ Việt Nam – đang siết chặt các tiêu chí liên quan đến sản xuất bền vững, truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất và không phá rừng.
Trước những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường quốc tế, ngành điều cần tăng tốc đầu tư vào công nghệ, minh bạch hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chế biến sâu và nâng tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành điều sẽ là bước đi quan trọng nếu muốn tăng sức cạnh tranh trong phân khúc cao cấp.
Tại Trung Quốc – nơi xu hướng tiêu dùng đang nghiêng về các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng như hạt rang, hạt tẩm gia vị và snack từ điều – doanh nghiệp Việt nên đón đầu xu thế để mở rộng thị phần. Đây cũng là nhóm sản phẩm phù hợp với thị hiếu thực phẩm lành mạnh của người tiêu dùng trẻ – lực lượng đang ngày càng chi phối sức mua tại thị trường này.
Hiện cả nước có khoảng 306,4 nghìn ha trồng điều, với sản lượng ước đạt hơn 311 nghìn tấn trong niên vụ 2024–2025. Tuy nhiên, diện tích và năng suất đang có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, song song với mở rộng thị trường, ngành điều cần nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, cải tiến giống, tăng cường đầu tư vào khâu thu mua và chế biến – nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá.
Sau 18 năm liên tiếp giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân, Việt Nam hiện chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Hạt điều Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định vai trò chủ lực trong chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì vị thế này trong dài hạn, ngành cần chuyển trọng tâm sang phát triển chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh và thích ứng nhanh với những xu thế tiêu dùng mới.