Quốc hội thảo luận giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 8% Kinh tế tư nhân: Gỡ rào cản, trao trọng trách để bứt phá Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025: Tiệm cận mục tiêu, cao nhất gần 20 năm |
![]() |
GDP quý II/2025 tăng mạnh 7,96%. |
Tăng trưởng vượt kỳ vọng, công – nông – dịch vụ đồng loạt khởi sắc
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025 cho thấy nhiều điểm sáng khi GDP quý II tăng tới 7,96% so với cùng kỳ, và tính chung 6 tháng đầu năm tăng 7,52% – mức tăng cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 2011–2025. Kết quả này cho thấy sự hồi phục rõ nét và đồng đều của nền kinh tế sau giai đoạn nhiều biến động.
Trong quý II/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 3,51%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Ngành lâm nghiệp tăng mạnh 7,42% và thủy sản tăng 4,21%, tuy tỷ trọng chưa lớn nhưng cũng góp phần củng cố nền sản xuất nông nghiệp.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực chính, tăng 8,97% trong quý II và 8,33% trong 6 tháng đầu năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột với mức tăng tới 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Ngoài ra, ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,62% – cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến nay.
Ở khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại, vận tải, du lịch và các ngành dịch vụ công tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, khu vực này tăng 8,14% – mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 15 năm. Trong đó, các ngành dịch vụ hành chính, hoạt động Đảng và tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước và quốc phòng – an ninh đều ghi nhận mức tăng hai chữ số: lần lượt là 14,58% và 13,09%.
Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết thúc 6 tháng, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ giữ vai trò chủ đạo với 43,40%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36%.
Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%, chiếm tới 84,2% mức đóng góp vào tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%, trong khi nhập khẩu tăng 16,01%, phản ánh sự phục hồi năng động của thị trường trong nước.
Doanh nghiệp tăng tốc, dòng vốn FDI lập kỷ lục mới
![]() |
Riêng tháng 6, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 61% so với tháng trước. |
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, thị trường doanh nghiệp trong nước cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ. Riêng tháng 6, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 61% so với tháng trước và hơn 60% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, có tới 14.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cho thấy niềm tin vào môi trường đầu tư đang được khôi phục mạnh mẽ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, đã có hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 27% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có khoảng 25.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh và thị trường vẫn khiến 127.200 doanh nghiệp rút lui, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, gần 6.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 10.000 doanh nghiệp chờ giải thể và 2.761 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Ở chiều hướng tích cực, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Tính đến 30/6, tổng vốn FDI đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8% và cũng là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Không chỉ thu hút đầu tư, Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, có 86 dự án đầu tư mới ra nước ngoài được cấp phép, với tổng vốn 357,7 triệu USD – gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 18 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị tăng thêm 129,4 triệu USD – gấp 7 lần cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 487,1 triệu USD, tăng gấp 3,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.
Với mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm và sự phục hồi đồng đều của các ngành kinh tế, Việt Nam đang tạo dựng nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng tốc cuối năm 2025. Doanh nghiệp hồi sinh mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài lập kỷ lục, nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ cùng tăng tốc... tất cả đang vẽ nên một viễn cảnh tươi sáng cho kinh tế Việt Nam, nếu duy trì được động lực và bền bỉ cải cách.