Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Phát biểu tại toạ đàm: Doanh nghiệp Việt Nam - Armenia được tổ chức tại Thủ đô Yerevan, Armenia ngày 2/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư, thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế và đầu tư của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực.
Tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ước đạt trên 7%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.700 USD; kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt gần 787 tỷ USD, tăng 15,4%.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tọa đàm |
Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Năm 2024, thu hút FDI đạt gần 38,23 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, lũy kế đến nay Việt Nam đã thu hút được hơn 42.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 507 tỷ USD từ 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều dự án lớn, thuộc các lĩnh vực mới, tiềm năng như bán dẫn, điện tử, năng lượng…
Về môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò "mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn...
Trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế, coi đây là “đột phá của đột phá”, thông qua việc nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện nhiều Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Xuất nhập cảnh… bảo đảm phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, qua đó giúp tiếp tục không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh.
Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy hoạt động giao lưu, thương mại, với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 17 FTA với hơn 60 nước.
![]() |
Toàn cảnh Tọa đàm: Doanh nghiệp Việt Nam - Armenia |
Tiềm năng, dư địa hợp tác còn rất lớn cần được khai thác mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ giữa Việt Nam và Armenia không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Bên cạnh tình hữu nghị gắn bó đặc biệt, không ngừng được bồi đắp, thì nền kinh tế của hai nước cũng có rất nhiều điểm tương đồng, có tính bổ trợ cho nhau.
“Dù hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, song tiềm năng, dư địa còn rất lớn, cần được thúc đẩy, khai thác mạnh mẽ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam và Armenia đều có nền kinh tế mở, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có Armenia với triển vọng sẽ mang lại cơ hội lớn để phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước.
Quan hệ song phương đang ngày càng được củng cố, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia Alen Simonyan từ ngày 17/11 đến ngày 23/11/2024 và chuyến thăm Armenia của Chủ tịch quốc hội Việt Nam lần này.
Để tận dụng tối đa tiềm năng hợp tác, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gợi mở một số định hướng cụ thể mà doanh nghiệp hai nước có thể xem xét. Cụ thể, về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá Armenia được biết đến như một "Thung lũng Silicon" của khu vực với ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Còn Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội khuyến khích các doanh nghiệp hai bên hợp tác phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và giải pháp công nghệ cho giáo dục, y tế, và quản lý đô thị thông minh.
Về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, Chủ tịch Quốc hội nêu, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cà phê, hạt điều, thủy sản, trong khi Armenia có thể chia sẻ kinh nghiệm về chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là rượu vang và trái cây sấy khô. Hợp tác trong lĩnh vực này không chỉ tăng kim ngạch thương mại mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hai nước.
Về năng lượng tái tạo, cả Việt Nam và Armenia đều cam kết phát triển bền vững. Do đó Chủ tịch Quốc hội đề xuất các doanh nghiệp hai bên cùng nghiên cứu và đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, gió và thủy điện nhỏ, tận dụng công nghệ tiên tiến của Armenia và nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam.