Siết livestream, chặn hàng giả trên thương mại điện tử Hàng giả “ẩn mình” trong quảng cáo: Khi niềm tin bị đánh tráo bằng công nghệ |
![]() |
Nghị định số 117/2025/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày 1-7 là bước tiến quan trọng trong quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ |
Sàn TMĐT chịu trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân bán hàng
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định số 117/2025/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày 1-7 là bước tiến quan trọng trong quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là đối với các hộ và cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Theo quy định mới, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp các loại thuế như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn TMĐT hoặc các nền tảng số có chức năng thanh toán thực hiện thay cho người bán hàng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu cá nhân bán hàng online sẽ không còn phải tự đi kê khai thuế như trước, thay vào đó, sàn giao dịch sẽ thực hiện toàn bộ quy trình thu – nộp thay.
“Việc chuyển trách nhiệm nộp thuế từ cá nhân sang sàn TMĐT là một bước đi phù hợp với xu thế số hóa, tạo sự công bằng giữa người bán online và các doanh nghiệp truyền thống”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã chủ động phối hợp để chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu liên quan đến người bán hàng, bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động… Việc đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu này sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, chống thất thu thuế trong TMĐT – lĩnh vực đang phát triển mạnh nhưng còn nhiều kẽ hở pháp lý.
Đặc biệt, Thứ trưởng Tân nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan sẽ tăng cường truyền thông, đào tạo và hướng dẫn để người bán hàng online hiểu rõ hơn chính sách thuế mới. “Cộng đồng người bán cần chủ động cập nhật thông tin định danh, mã số thuế cá nhân và theo dõi các hướng dẫn từ cơ quan chức năng để thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai, nộp thuế”, ông nói.
Sẽ có Luật Thương mại điện tử điều chỉnh hoạt động bán hàng livestream
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cung cấp thông tin về việc về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh: VGP |
Một trong những điểm đáng chú ý được Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề cập là việc Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2025. Luật này sẽ bổ sung các quy định điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như livestream bán hàng, vốn đang nở rộ nhưng chưa được quy định đầy đủ trong hệ thống pháp luật hiện hành.
“Hoạt động bán hàng livestream hiện nay phát triển rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng... Tuy nhiên, vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, chất lượng hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng cũng như trách nhiệm pháp lý của người bán”, ông Tân nhận định.
Dự thảo luật mới sẽ hướng tới việc định danh điện tử người bán, quy định rõ trách nhiệm của sàn TMĐT và nền tảng livestream, đồng thời tạo điều kiện để các cá nhân bán hàng hợp pháp, chuyên nghiệp hóa hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Trên thực tế, các nền tảng công nghệ lớn tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada hay TikTok Shop đều đã có sự chuẩn bị về mặt kỹ thuật và dữ liệu để phối hợp với cơ quan thuế trong việc khấu trừ và nộp thuế thay. Các công cụ phần mềm, hệ thống theo dõi doanh thu và trích thuế tự động đang được nâng cấp để bảo đảm tính chính xác và minh bạch.
Tuy nhiên, để chính sách mới đi vào cuộc sống, vẫn cần sự đồng hành và chủ động từ phía cộng đồng người bán. Các cá nhân kinh doanh online – đặc biệt là những người hoạt động tự phát, không đăng ký kinh doanh – cần nhanh chóng cập nhật thông tin, chủ động định danh và làm quen với quy trình kê khai thuế mới.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế hoàn thuế cho các đơn hàng bị hủy, xử lý tình huống “thuế chồng thuế” và xây dựng chính sách phù hợp để không tạo thêm gánh nặng hành chính cho người bán hàng nhỏ lẻ.
Với sự vào cuộc đồng bộ giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các sàn TMĐT, cùng nỗ lực hoàn thiện pháp lý thông qua Luật Thương mại điện tử trong thời gian tới, hoạt động bán hàng livestream, online tại Việt Nam sẽ dần bước vào giai đoạn chuyên nghiệp, minh bạch và bền vững hơn.
![]() |
![]() |