Sau ánh hào quang tỷ USD: Sầu riêng cần nâng chuẩn để giữ thị trường Chuẩn hóa chất lượng, nâng tầm sầu riêng Việt Sầu riêng Việt Nam tái cấu trúc để phát triển bền vững |
Rào cản kỹ thuật làm chậm dòng xuất khẩu
![]() |
Nông hộ kiểm tra độ chín của sầu riêng trước thu hoạch – khâu quan trọng trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Giang |
Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, ngành hàng sầu riêng đang chứng kiến sự chững lại rõ rệt. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm tới 67%, gây thiệt hại ước tính khoảng 1,8 tỷ USD. Đây là mặt hàng từng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước.
Nguyên nhân chính đến từ việc Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hơn 90% sầu riêng Việt Nam – đã siết chặt hàng loạt quy định kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát nghiêm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như hàm lượng Cadmium, chất tạo màu Vàng O, cũng như yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Thời gian thông quan kéo dài từ 2 ngày lên hơn 7 ngày do các thủ tục kiểm định phức tạp. Điều này khiến doanh nghiệp e ngại rủi ro bị trả hàng, dẫn đến việc giảm hoặc dừng xuất khẩu.”
Nhiều lô hàng dù đã kiểm tra sơ bộ tại nội địa nhưng vẫn không đạt chuẩn khi vào cửa khẩu, gây thiệt hại nặng về uy tín và tài chính. Không chỉ ảnh hưởng đến mặt hàng sầu riêng, xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm 2025 cũng bị kéo giảm. Tổng kim ngạch chỉ đạt 3,05 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tháng 6 ghi nhận mức tăng đột biến 750 triệu USD, song vẫn không đủ bù đắp đà sụt giảm kéo dài – nguyên nhân chủ yếu do sầu riêng lao dốc.
Ở các thị trường xuất khẩu khác, tình hình có phần khả quan hơn. Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (48,2%) nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh 35,1%. Ngược lại, thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 65,2% và 5,7%. Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) trở thành điểm sáng với mức tăng tới 69,2%.
Thực trạng này cho thấy ngành sầu riêng đang đối mặt với “cú sốc kép”: vừa phụ thuộc quá mức vào một thị trường, vừa thiếu nền tảng kiểm soát chất lượng phù hợp để kịp thời thích ứng khi điều kiện thay đổi. Đáng lo ngại, diện tích trồng sầu riêng đã tăng “nóng” từ 32.000 ha năm 2015 lên gần 180.000 ha năm 2024, trong khi đầu tư cho kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch và logistics chuỗi lạnh lại chưa theo kịp.
Hệ quả là nguồn cung dư thừa, chất lượng không đồng đều, còn năng lực kiểm định thì quá tải. Hiện giá thu mua sầu riêng tại vườn chỉ còn 30.000–50.000 đồng/kg, giảm một nửa đến hai phần ba so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nông dân chịu nhiều áp lực. “Việc ồ ạt mở rộng diện tích mà thiếu quy hoạch và liên kết chuỗi đang đẩy toàn ngành vào thế bị động, dễ tổn thương,” ông Nguyên cảnh báo.
Chuẩn hóa chuỗi liên kết theo chuẩn quốc tế
![]() |
Sầu riêng được đóng gói và phân loại theo tiêu chuẩn, sẵn sàng cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Chí Nhân |
Để giữ vững thị trường và mở rộng xuất khẩu, các chuyên gia thống nhất rằng ngành sầu riêng Việt Nam cần một cuộc tái cấu trúc toàn diện, từ sản xuất đến kiểm định và phân phối, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trước hết, cần coi mã số vùng trồng là “hộ chiếu xuất khẩu” bắt buộc của mỗi lô sầu riêng. Hiện nay, quy trình cấp mã số vẫn thủ công, thiếu dữ liệu số hóa và giám sát định kỳ. Ông Nguyên đề xuất: “Phải số hóa toàn bộ quy trình, kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận hay làm giả hồ sơ. Cần công khai danh sách doanh nghiệp và vùng trồng vi phạm để tạo tính răn đe.”
Tiếp theo là nâng cao năng lực kiểm định chất lượng. Việt Nam có thể học hỏi mô hình của Thái Lan: xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm nhanh ngay tại vùng trồng, giúp nông dân và doanh nghiệp kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch. Mô hình xã hội hóa – doanh nghiệp đầu tư, nhà nước giám sát – sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. “Chúng ta cần hai lớp kiểm tra: một tại vườn, một trước cửa khẩu. Khi có hệ thống kiểm định chủ động và đáng tin cậy, Việt Nam có thể đàm phán với Hải quan Trung Quốc để mở luồng xanh, rút ngắn thời gian thông quan còn 2–3 ngày,” ông Nguyên phân tích.
Ngoài ra, cần xây dựng chuỗi liên kết ba bên vững chắc: nông dân – doanh nghiệp – nhà nước. Nông dân cần được đào tạo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. Doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ chế biến sâu, sản phẩm đông lạnh và hệ thống kho lạnh để nâng giá trị gia tăng, giảm lệ thuộc vào sầu riêng tươi.
Về phía cơ quan quản lý, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt đầu vào – đặc biệt là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa Cadmium, Vàng O… – đồng thời thúc đẩy chính sách tín dụng xanh cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Một hướng đi chiến lược khác là đa dạng hóa thị trường. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng chế biến sang các thị trường như Nhật Bản, Singapore, UAE, EU, Mỹ… nơi người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm đông lạnh, có thời hạn sử dụng dài và được kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ.
Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu sầu riêng có thể phục hồi trong quý III/2025, đặc biệt vào chính vụ tháng 8–10. Tuy nhiên, mức phục hồi này phụ thuộc hoàn toàn vào việc ngành hàng có thực hiện đầy đủ các cam kết về kỹ thuật và chất lượng hay không. “Ngành sầu riêng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng để chuyển mình. Nhưng nếu không có chiến lược bài bản, kỷ luật thực thi và sự đồng hành của ba trụ cột – nông dân, doanh nghiệp và nhà nước – thì cơ hội ấy có thể vụt mất bất cứ lúc nào,” ông Nguyên nhấn mạnh.