Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024 Từ 18/2, ngừng miễn thuế hàng nhập dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải có văn phòng đại diện |
Lý do 165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử trong năm 2024? |
Theo Báo cáo Toàn cảnh Thị Trường Sàn Bán Lẻ Trực Tuyến 2024 và Dự Báo 2025 vừa được Metric công bố, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 ước đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Tổng lượng sản phẩm tiêu thụ đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%.
165.000 shop rời khỏi nền tảng thương mại điện tử
Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20,25%, tương đương với việc có 165.000 shop rời khỏi nền tảng thương mại điện tử, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong khi đó, chỉ riêng Shopee đã có thêm 31.500 nhà bán hàng quốc tế, tạo sức ép mạnh mẽ lên các nhà bán hàng nội địa.
Theo Metric, nguyên nhân khiến 165.000 shop "chia tay" là do nhiều nhà bán nhỏ lẻ hoạt động không hiệu quả, nhường chỗ cho các thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Dữ liệu của Metric cũng cho thấy nửa cuối năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng doanh số đáng kể nhờ vào hàng loạt sự kiện mua sắm lớn như mùa tựu trường, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
Những dịp này tạo ra nhu cầu mua sắm cao, mở ra cơ hội cho nhà bán hàng tận dụng các chương trình khuyến mãi, đa dạng hóa danh mục sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng và đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị.
Bên cạnh đó Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ (lần lượt 69,79% và 181,31%) phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và cửa hàng có độ tin cậy cao.
Những con số nổi bật năm 2024 về thương mại điện tử - Nguồn: Metric |
Sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu
Năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm tiêu thụ, doanh số đạt 14.200 tỉ đồng - tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với năm trước.
Sự thay đổi này xuất phát từ một số yếu tố chính như hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.
Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ chi phí sản xuất thấp.
Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Làm đẹp, nhà cửa – đời sống, thời trang nữ là 3 ngành hàng mang lại doanh số nhiều nhất cho các sàn thương mại điện tử năm 2024.
Tuy nhiên, bách hóa – thực phẩm mới là ngành hàng nổi bật với mức tăng trưởng lên đến 76.3% - cao nhất trong số các ngành hàng. Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ truyền thống hoặc siêu thị.
Sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu và thay đổi nhu cầu tiêu dùng cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng mở ra cơ hội mới để nâng cao chất lượng và cạnh tranh hiệu quả hơn.
"Để thành công, các nhà bán lẻ cần sáng tạo, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với xu hướng mới trong thị trường thương mại điện tử đầy biến động này"- Đại diện Metric khuyến nghị.