Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024. |
Sự chuyển dịch mạnh mẽ
Thị trường đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD.
Đên năm 2020, doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD và đạt 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hoạt động thương mại điện tử phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước; hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là "đòn bẩy" cho xuất khẩu trực tuyến. Cục trưởng thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh đánh giá: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam’’.
Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
“Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Kiểm soát vi phạm trên thương mại điện tử
Vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng tinh vi. |
Dù thương mại điện tử phát triển mạnh, song theo Bộ Công Thương, số vi phạm trên môi trường thương mại điện tử có xu hướng tăng cao, tại nhiều địa phương. Trong đó, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2024, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Để kiểm soát vi phạm trên thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho rằng, cần có quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử và chế tài gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của các trang website bán hàng online. Đối với các hộ kinh doanh dưới hình thức online tại nhà cũng cần phải đăng ký kinh doanh để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt, xử lý mà không vi phạm về Luật Nhà ở. Do đó cần sự kết nối liên thông các tỉnh, thành phố trong quản lý, nhất là quản lý trong thương mại điện tử làm sao để xử lý được vi phạm.
Theo các chuyên gia, để thương mại điện tử phát triển bền vững, cần sự chung tay của các bộ, ngành, đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể, hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua nền tảng số.
Bà Lê Hoàng Oanh cũng cho rằng, khảo sát mới đây cho thấy, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng. Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới như: Ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 và 2026-2030; triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu online; giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu… Song, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng Việt qua thương mại điện tử nên tham gia sàn thương mại điện tử uy tín để được hỗ trợ, đỡ tốn kém đầu tư. Cùng đó cần đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistic và chăm sóc khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại, đồng thời tận dụng các chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Trong năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức, triển khai hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương thông qua thương mại điện tử, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu ích. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tin cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng…