Người tiêu dùng Việt vào top 11 thế giới về mua hàng online. |
Mỗi 1 người dành tới 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng
Theo khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam, bình quân mỗi 1 người dành ra tới 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng. Đồng thời, người tiêu dùng Việt cũng lọt top 11 thế giới về mua hàng online.
3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook, Shopee và TikTok. Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với hơn 50.000 nhà bán. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.
Minh chứng điển hình, trong suốt Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2024 (25/11 - 1/12) vừa qua, gần 4,750 videos hưởng ứng đã được đăng tải trên TikTok, hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã được thực hiện. Tổng số lượt xem các nội dung có gắn hashtag #OnlineFriday và #TuHaoHangViet là 1,8 tỷ lượt. Bên cạnh đó, có tổng cộng 83 nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết hưởng ứng chiến dịch.
Đặc biệt, phiên livestream của Quang Linh Vlog vào tối ngày 28/11 đạt thành công ấn tượng với hơn 24 triệu lượt xem và bán ra 31.179 đơn hàng qua nền tảng TikTok Shop. Nhiều sản phẩm nhanh chóng “cháy hàng” sau thời gian ngắn mở bán, như 498 combo 2 túi Gạo ST25 (5kg/túi) của Vua Gạo bán hết chỉ trong 10 phút, hay combo 30 đôi đũa và thớt tre thái của Tre Phương Bắc đạt tổng cộng 547 đơn hàng chỉ sau 15 phút. Những con số này minh chứng rõ nét sức hút mạnh mẽ và sự thành công của chương trình năm nay.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, KOL, KOC có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Giới chuyên gia đánh giá, mạng xã hội và thương mại điện tử đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu và cần được công nhận.
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đối mặt với thách thức
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đối mặt với thách thức. |
Có một thực tế đó là với sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nhập khẩu… khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Giới chuyên gia nhận định, không có một công thức chung cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khi bán hàng ra thế giới. Vấn đề cần phải bảo đảm đó là kiểm soát chất lượng các đơn hàng. Đây là thế mạnh và cơ hội cho hàng Việt.
Theo đó, thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh, ví dụ với nông sản là các sản phẩm OCOP. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để tăng sự cuốn hút, nhiều đơn vị tận dụng sức mạnh của KOL và KOC - những người có tầm ảnh hưởng. Thực tế, KOL và KOC đã trở nên phổ biến từ khoảng năm 2019 - 2020, khi trào lưu review lan rộng khắp các nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh mua sắm online ngày càng phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, sự xuất hiện của các KOL, KOC trên livestream đã mang đến "làn gió mới", tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng; tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Khác với hình ảnh sản phẩm được chỉnh sửa kỹ lưỡng trên website hay app bán hàng, các phiên livestream mang đến trải nghiệm chân thực, giúp người xem cảm nhận rõ về sản phẩm, từ chất liệu, kiểu dáng đến màu sắc, bởi thế đã có rất nhiều người mua hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – cho biết: “Từ năm 2023, TikTok đã triển khai chương trình chợ phiên OCOP. Ở chương trình này chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo theo đúng cách hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Mỗi thứ 7 tổ chức 1 phiên livestream để giới thiệu nông sản đặc sản của các tỉnh, thành đến với người dùng trên cả nước. Mỗi phiên livestream có thể tiếp cận 5 triệu người, tôi cho như thế là chương trình khá thành công”.
Tháng 6/2024, TikTok đã quyết định mở rộng chương trình sang giai đoạn 2 với tên gọi chương trình là Tự hào hàng Việt. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với các hội như: Hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ, Hội doanh nhân… với mục tiêu cuối cùng là doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ của người Việt sẽ được hưởng những ưu đãi của nền tảng, bao gồm từ đào tạo, hỗ trợ công tác sau bán hàng, ngay cả các chương trình bán hàng trên nền tảng TikTok Shop…
Cùng nhấn mạnh việc sử dụng thương hiệu OCOP là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt, chia sẻ tại hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”, diễn ra cuối tháng 11/2024 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty Meet More – nêu ý kiến, lấy thương hiệu OCOP làm trọng tâm là một cách tiếp cận đúng đắn. Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn thương mại điện tử.
Nhiều phân tích chỉ ra, việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026; trong đó, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook, Shopee và TikTok.
Để hàng Việt “cất cánh” trên môi trường số |
Tuần lễ thương mại điện tử chính thức diễn ra từ hôm nay (25/11) |
Cấm buôn bán hàng giả tại Online Friday 2024 |