Lợi dụng thông tin sáp nhập để thổi giá đất chỉ vài ngày sẽ hết Nghị quyết 68: Bệ phóng chiến lược cho thị trường bất động sản bứt phá TP.HCM thí điểm mô hình mới trong phát triển nhà ở thương mại |
Sức hút từ các đô thị vệ tinh
Vùng Thủ đô – bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên – đang từng bước định hình vai trò là một trong những cực tăng trưởng chiến lược của cả nước. Dù chỉ chiếm 7,4% diện tích nhưng khu vực này đóng góp tới gần 25% GDP và tập trung hơn 21% dân số toàn quốc - TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
![]() |
Vùng Thủ đô chỉ chiếm 7,4% diện tích nhưng đóng góp tới gần 25% GDP và tập trung hơn 21% dân số toàn quốc (Ảnh minh họa) |
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tinh gọn bộ máy hành chính từ 63 xuống 34 tỉnh, Hà Nội giữ nguyên vai trò đặc thù, trong khi các địa phương xung quanh được quy hoạch thành những “siêu địa phương” mới, tạo điều kiện để triển khai các đại dự án hạ tầng và đô thị quy mô lớn.
Cũng theo TS. Khôi, Luật Thủ đô 2024 là cú hích mạnh mẽ giúp mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng và tạo động lực lan tỏa từ trung tâm Hà Nội tới các địa phương phụ cận. Mục tiêu phát triển không còn gói gọn trong phạm vi hành chính hiện tại mà được mở rộng tới toàn bộ đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Trong tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng 2065, Hà Nội và các đô thị vệ tinh được kỳ vọng trở thành một hệ sinh thái liên kết đồng bộ, với cấu trúc đô thị bền vững, thông minh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Một trong những xu hướng nổi bật thời gian tới là sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội. “Những năm gần đây, các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang đổ xô về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội”, ông Khôi nhận định.
Theo ông, sự quan tâm tập trung tại các trục giao thông lớn như Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp liên kết với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Dòng tiền dịch chuyển đang biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm mới của thị trường.
Các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam hay Bắc Giang đang vươn lên thành những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất phát triển còn dồi dào. Giá bất động sản ở các tỉnh này hiện vẫn thấp hơn Hà Nội từ 3 đến 5 lần, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư và người dân có nhu cầu ở thực.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Hà Nội và 9 tỉnh lân cận đóng góp hơn 40% tổng nguồn cung BĐS nhà ở mở bán trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025.
![]() |
Hà Nội và 9 tỉnh lân cận đóng góp hơn 40% tổng nguồn cung BĐS nhà ở mở bán trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 (Ảnh minh họa) |
Thực tế cho thấy, chỉ riêng khu vực Vùng Thủ đô hiện đang triển khai hơn 300 dự án nhà ở, chiếm trên 30% nguồn cung cả nước. Trong năm 2024, vùng này đóng góp khoảng 60% nguồn cung nhà ở mới và tới 68% tổng lượng giao dịch bất động sản toàn quốc. Riêng Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp hơn 30.000 sản phẩm nhà ở trong giai đoạn 2024–2026, tập trung chủ yếu tại các đại đô thị tích hợp kiểu mẫu.
Không chỉ nhà ở, phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics cũng đang chứng kiến sự bùng nổ tại các tỉnh vệ tinh. Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc hay Hưng Yên đang trở thành “điểm sáng FDI” với nhiều khu công nghiệp hiện đại, thu hút các tập đoàn công nghệ cao, bán dẫn và điện tử.
“Nhu cầu nhà xưởng, kho bãi, dịch vụ hậu cần sẽ tăng cao khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Khôi phân tích.
Không gian mới – động lực tăng trưởng bền vững
Những thay đổi về mặt thể chế, quy hoạch và hạ tầng đang mở ra một "không gian phát triển mới" theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng cho bất động sản Hà Nội.
Dẫn chứng từ lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008, TS. Khôi nhấn mạnh việc sáp nhập Hà Tây đã giúp Hà Nội có thêm quỹ đất phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng mạnh mẽ. Đến năm 2024, thu ngân sách Hà Nội đạt gần 512.000 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với năm 2007; thu nhập bình quân đầu người gấp khoảng 5 lần. Việc sáp nhập và mở rộng Vùng Thủ đô hiện nay, theo ông, sẽ tạo nên những "siêu địa phương" đủ tiềm lực triển khai các đại dự án hạ tầng, đô thị quy mô lớn.
Về hạ tầng, Vùng Thủ đô đang sở hữu hệ thống giao thông liên kết toàn diện với các tuyến vành đai 3, 4, mạng lưới cao tốc hướng tâm và đường sắt đô thị đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong tương lai, các tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới và xuyên Việt sẽ tăng thêm tính kết nối liên vùng, giảm áp lực lên khu vực lõi Hà Nội và tạo điều kiện cho người dân giãn cư về vùng ven mà không bị gián đoạn cuộc sống hay công việc.
Điểm đáng chú ý là các địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kéo theo hàng loạt dự án đại đô thị tích hợp: công nghiệp – dịch vụ – nhà ở – đô thị xanh. Đây sẽ là mô hình chủ đạo trong tương lai, giúp tái định hình cấu trúc phát triển của toàn vùng theo hướng hiện đại và bền vững.
![]() |
Vùng Thủ đô đang sở hữu hệ thống giao thông liên kết toàn diện với các tuyến vành đai 3, 4, mạng lưới cao tốc hướng tâm và đường sắt đô thị đang được đẩy nhanh tiến độ (Ảnh minh họa) |
Triển vọng dài hạn
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam bày tỏ sự lạc quan trước tương lai đầy triển vọng của vùng Thủ đô nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính cũng thẳng thắn cảnh báo, bên cạnh lợi ích, chúng ta cũng ý thức rằng quá trình sắp xếp lại địa giới đặt ra không ít thách thức. Việc tổ chức, vận hành chính quyền trên địa bàn mới đòi hỏi tầm nhìn quy hoạch đồng bộ, tránh chồng chéo. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để sau sáp nhập, bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời sẵn sàng kiểm soát hiện tượng sốt đất ảo có thể xảy ra theo tâm lý đón đầu quy hoạch.
TS. Nguyễn Văn Khôi cũng đồng tình khi cho rằng “việc “chặn sóng” đầu cơ bất động sản đã được tính đến nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chế lẫn quy hoạch, chúng ta tin tưởng quá trình mở rộng không gian phát triển vùng Thủ đô sẽ diễn ra suôn sẻ, tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội vùng, đặc biệt là thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Khôi nói.
![]() |
Thị trường bất động sản Hà Nội và vùng phụ cận đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới (Ảnh minh họa) |
Với tầm nhìn chiến lược, không gian phát triển được mở rộng và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và nhà đầu tư, thị trường bất động sản Hà Nội và vùng phụ cận đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Dự báo trong 5–10 năm tới, các “đô thị nối dài” như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường, không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng sống, tính bền vững và công nghệ hóa.
Bất động sản Hà Nội không còn chỉ là câu chuyện của một đô thị trung tâm, mà đã và đang trở thành tâm điểm phát triển toàn vùng, mở ra cơ hội lớn cho cả người dân, nhà đầu tư và nền kinh tế quốc gia.