Khi kỹ năng sống còn bị xem nhẹ
![]() |
Tàu Vịnh Xanh 58 gặp nạn khi đưa du khách đi tham quan. |
Chỉ trong ba năm gần đây, đã có ít nhất 21 vụ tai nạn tàu thuyền du lịch xảy ra trong mùa mưa bão, theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam. Những con số này cho thấy tai nạn không còn là điều hiếm gặp, mà là thực trạng đáng báo động. Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Quảng Ninh là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với các đơn vị khai thác tour mà còn với chính du khách – những người đang thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng ứng phó khẩn cấp trên biển.
Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng tai nạn là rủi ro nhỏ, khó xảy ra. “Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền triệu mua vé xem ca nhạc, nhưng lại rất ít ai dành thời gian học cách thoát hiểm khi đi tàu biển,” anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng tổ chức tình nguyện FAS Angel, thẳng thắn chia sẻ. Theo anh, phần lớn hành khách không biết cách bảo vệ bản thân hay hỗ trợ người đi cùng nếu tình huống xấu xảy ra.
Thực tế, những hiểu lầm cơ bản về sinh tồn vẫn rất phổ biến. Ví dụ, không ít người nghĩ rằng việc mặc quần áo ướt khi rơi xuống biển khiến cơ thể lạnh hơn. Trên thực tế, lớp nước giữ lại trong quần áo sẽ được cơ thể làm ấm, tạo thành một “lớp cách nhiệt” giúp giảm tình trạng mất nhiệt. Ngược lại, cởi đồ lại khiến da tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đuối sức.
Tư thế giữ ấm cũng là yếu tố sống còn trong môi trường nước. Tư thế HELP (co người, che ngực, bụng, cổ) giúp giảm mất nhiệt khi ở một mình, trong khi tư thế Huddle (ôm nhóm) giúp giữ ấm tập thể và dễ dàng được lực lượng cứu hộ phát hiện. Ngoài ra, cần hạn chế cử động, tránh bơi nếu không cần thiết và tận dụng bất kỳ vật dụng nổi nào có sẵn trên tàu.
Đặc biệt, mỗi du khách nên chủ động lắng nghe hướng dẫn an toàn từ thủy thủ đoàn, ghi nhớ vị trí áo phao, phao bè, xuồng cứu sinh và các lối thoát hiểm. Những giây đầu tiên nhận thức đúng và hành động kịp thời có thể là ranh giới giữa sống và mất.
An toàn là thành tố bắt buộc trong xây dựng thương hiệu
![]() |
Phao bè cứu sinh được đặt tại mạn trái và phải gần khu vực xuồng cứu sinh, cũng như ở phần sau đuôi tàu. |
Du lịch biển đang bước vào mùa cao điểm tại nhiều điểm đến như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo… Thế nhưng, việc chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp vẫn chưa được các doanh nghiệp khai thác tour đặt đúng mức ưu tiên. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, nếu không có bước tiến rõ ràng trong việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn, ngành du lịch biển khó có thể phát triển bền vững.
Theo Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS), doanh nghiệp vận tải và du lịch biển có trách nhiệm phổ biến quy trình an toàn cho hành khách trước khi tàu rời bến. Nội dung bắt buộc gồm: vị trí áo phao, thiết bị cứu sinh, trạm tập trung và các bước hành động cụ thể khi gặp sự cố. Các tàu thuyền cũng phải bố trí phao bè linh hoạt ở mạn trái, mạn phải và phần đuôi, đảm bảo tiếp cận nhanh trong tình huống khẩn cấp.
Trong kịch bản xấu nhất như tàu chìm, mỗi phút giây đều quý giá. Du khách cần được hướng dẫn cách chọn hướng nhảy (xuôi chiều gió, tránh bên tàu nghiêng), giữ thăng bằng, và bơi nhanh ra xa khỏi dòng xoáy. Trong trường hợp không có áo phao, có thể tận dụng thùng xốp, mảnh gỗ, hoặc thậm chí tự chế phao nổi bằng cách buộc ống quần và giữ không khí bên trong.
Ngay cả khi dạt vào đảo hoang, người gặp nạn vẫn có thể duy trì sự sống nếu biết cách tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có: hứng nước mưa, bắt cá bằng dây giày, tìm rong biển, hoặc phát tín hiệu cầu cứu bằng gương, kính, điện thoại. Những kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại là yếu tố quyết định giữa sống còn.
Về dài hạn, kỹ năng sinh tồn cần trở thành phần bắt buộc trong nội dung giới thiệu trước mỗi chuyến tàu khởi hành. Doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra thiết bị cứu hộ và huấn luyện nhân viên không chỉ theo quy chuẩn kỹ thuật mà còn theo kịch bản linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng biển. Trong những tình huống khẩn cấp, chính khả năng phản ứng của đội ngũ phục vụ sẽ quyết định tỷ lệ sống sót của toàn bộ hành khách.
An toàn không chỉ là yếu tố vận hành mà còn là yếu tố cốt lõi để xây dựng niềm tin thương hiệu. Trong bối cảnh thị trường du lịch đang ngày càng cạnh tranh và chuyên biệt, một sự cố nhỏ có thể xóa bỏ mọi giá trị mà doanh nghiệp dày công tạo dựng. Do đó, coi an toàn như “phần hồn” của thương hiệu là con đường duy nhất để phát triển lâu dài và có trách nhiệm với cộng đồng.