Du lịch xanh chỉ bền khi cộng đồng cùng nhập cuộc Tour mới đồng loạt ra mắt: Du lịch cuối năm sôi động Từ trải nghiệm đến cảm hứng: Du lịch vươn tầm quốc gia |
Chính sách điều hành tạo đà phục hồi tích cực
![]() |
Khách quốc tế tham quan, tìm hiểu thông tin điểm đến Việt Nam – một trong những thị trường trọng điểm được ngành du lịch tập trung xúc tiến, quảng bá trong năm 2025. |
Chiều 24/7/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025. Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045; Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Bộ cũng đã tham mưu ban hành 3 Thông tư, Kế hoạch xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch năm 2025; Kế hoạch số 760/KH-BVHTTDL ngày 26/2/2025 về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ, liên quan đến việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 cho công dân các nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sĩ.
Trong công tác quản lý hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú, Bộ đã thẩm định 510 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Cụ thể, cấp mới 230 giấy phép, cấp đổi 201 giấy phép, cấp lại 4 giấy phép và thu hồi 75 giấy phép.
Ngoài ra, Bộ đã xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025; tham dự các hội chợ du lịch quốc tế; phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước châu Âu như Italia, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Séc và Đức; quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes và các hoạt động bên lề; xúc tiến quảng bá tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4.
Bộ cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đề xuất chính sách thị thực, như mở rộng danh sách miễn thị thực ngắn hạn và đề xuất các đối tượng ưu tiên hưởng ưu đãi về thị thực trong lĩnh vực du lịch.
Thị trường tăng trưởng mạnh và định hướng nhiệm vụ cuối năm
![]() |
Du khách trải nghiệm dịch vụ canô tại điểm đến ven biển – hướng đi được nhiều địa phương và doanh nghiệp tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng trải nghiệm. Ảnh: VGP |
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 10.664.608 lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với đó, khách du lịch nội địa đạt khoảng 77,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 518 nghìn tỷ đồng. Những kết quả này phản ánh tín hiệu tích cực từ thị trường, cho thấy du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Cũng theo ông Ngọc, những con số tăng trưởng trên là minh chứng cho nỗ lực phục hồi và bứt phá của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch. Các yếu tố như chính sách visa linh hoạt, tăng cường quảng bá tại các thị trường trọng điểm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả này.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng phát triển, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm đặc trưng, hướng đến bền vững, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới cũng được xác định là một hướng đi quan trọng, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp và ghi nhận kết quả rõ nét. Để hoàn thành mục tiêu cả năm là đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120–130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và tốc độ tăng trưởng hai con số trong các năm tới, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, trọng điểm là thực hiện hiệu quả Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Ngoài ra, Bộ khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch như lữ hành, khu điểm du lịch, lưu trú, dịch vụ du lịch... cùng phối hợp đưa ra nhiều ưu đãi về giá, dịch vụ và sản phẩm mới nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế quốc gia, đáp ứng xu thế toàn cầu và thích ứng với biến động thị trường thế giới.