Địa đạo Củ Chi - một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
![]() |
Đường lên xuống giữa các tầng hầm địa đạo Củ Chi được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ. |
Khu di tích địa đạo Củ Chi còn là công trình phòng thủ độc đáo được bắt đầu xây dựng từ thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Với chiều dài ấn tượng khoảng 250km, nơi đây được xem là hệ thống đường hầm quân sự dài nhất thế giới - một “thành phố ngầm” kiên cố từng khiến quân thù khiếp sợ. Không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt, địa đạo Củ Chi còn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của TP.HCM.
Du lịch đến địa đạo Củ Chi là hành trình trở về quá khứ, nơi khách du lịch được tận mắt chứng kiến “mê cung lòng đất” từng là cứ địa chiến lược, khám phá những căn hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, hầm tránh bom hay hầm hội họp… Tất cả tạo nên một trải nghiệm đặc biệt, vừa hồi hộp, vừa tự hào trong hành trình khám phá thành phố mang tên Bác.
![]() |
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi dự báo lượng khách sẽ tiếp tục tăng cao trong dịp lễ nghỉ lễ 30/4. |
Địa đạo Củ Chi - biểu tượng sống động của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình. Dù trong chiến tranh hay thời bình, địa đạo Củ Chi vẫn luôn mang một giá trị lịch sử và tinh thần to lớn. Đây không chỉ là công trình quân sự thông minh và đầy biến hóa, mà còn là kết tinh của tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo và lòng dũng cảm của quân - dân Củ Chi.
Ngày nay, trong thời bình, địa đạo Củ Chi đã trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia - một biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần kiên cường và khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt. Khi đặt chân đến đây, đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ có cơ hội sống lại một phần ký ức hào hùng, trải nghiệm những gian khổ của người lính năm xưa giữa không gian chật hẹp, thiếu thốn mà kiên cường. Chính những trải nghiệm ấy sẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần biết ơn và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay trong hành trình dựng xây đất nước.
Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay cũng đồng thời Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên tour tới các địa chỉ lịch sử đặc biệt thu hút khách du lịch. Một trong số đó, tour trải nghiệm địa đạo Củ Chi được nhiều khách du lịch đặc biệt quan tâm. Theo đại diện khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, lượng khách tham quan trong tháng 4 tăng 30% so với ngày thường, nhờ hiệu ứng từ chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Đại diện khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi dự báo, lượng khách nội địa và khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng cao trong dịp lễ 30/4 sắp tới. Hiện di tích địa đạo Củ Chi bảo tồn 2 khu vực chính là Bến Đình (xã Nhuận Đức) và Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng), trở thành điểm đến hút khách khi tới TP.HCM. Chi phí tham quan di tích tại Bến Đình và Bến Dược là 35.000 đồng/lượt.
Nếu muốn tham quan khu tái hiện vùng giải phóng tại Bến Dược, du khách cần mua vé với giá 85.000 đồng/lượt. Nếu muốn có người hướng dẫn, phục vụ (đối với khách ngoại quốc), du khách có thể chi thêm 90.000 đồng cho một lượt. Đến Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình kháng chiến của dân tộc Việt Nam, những chiến lược mưu trí của dân ta.
Trải nghiệm chui địa đạo, bắn súng thật
![]() |
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tham quan địa đạo Củ Chi là đền Bến Dược. |
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tham quan địa đạo Củ Chi là đền Bến Dược. Đây là công trình được xây dựng để tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cổng tam quan của đền được lợp ngói âm dương, có kiến trúc gợi nhớ đến các đình làng truyền thống.
Khu đền chính được thiết kế theo hình chữ U, với bàn thờ Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí trung tâm. Bao quanh là tên của hàng chục nghìn đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Củ Chi. Tên các liệt sĩ được khắc trên bia đá hoa cương, với chữ mạ vàng. Tổng cộng có 45.670 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh Hùng được ghi danh tại đền tưởng niệm.
Sau khi viếng Đền Bến Dược, du khách di chuyển bằng xe điện khoảng một km để đến khu vực địa đạo. Một số đoạn hầm đã được cải tạo, mở rộng lối vào tạo thuận tiện cho khác tham quan. Hệ thống địa đạo bao gồm các đường dẫn đến nhiều khu chức năng như hầm ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, khu vực ăn uống, kho chứa lương thực và vũ khí, ô chiến đấu, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, công binh xưởng và nhà may quân trang.
![]() |
Hướng dẫn viên sẽ dẫn đoàn đi tham quan và thuyết minh chi tiết về các công trình, di tích cũng như những điểm tái hiện lịch sử. |
Tại mỗi khu vực, hướng dẫn viên sẽ dẫn đoàn đi tham quan và thuyết minh chi tiết về các công trình, di tích cũng như những điểm tái hiện lịch sử. Địa đạo Củ Chi có nhiều đoạn hầm rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người bò hoặc phải cúi thấp, thậm chí sát mặt đất mới có thể di chuyển. Ngày nay, các đường hầm mở cho khách tham quan đã được lắp đèn chiếu sáng, nhưng không khuyến khích người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc có tiền sử hen suyễn, tim mạch.
Hệ thống địa đạo bắt đầu được đào từ năm 1946 và được mở rộng liên tục suốt hơn 20 năm sau đó. Toàn bộ công trình nằm trên vùng đất sét pha đá ong, có độ bền cao, ít bị sụt lở. Các đường hầm và căn cứ ngầm sâu từ 3 đến 12 m, gồm 3 tầng, có khả năng chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Địa đạo tỏa rộng "như mạng nhện" khiến du khách có cảm giác bước vào ma trận. Từ "xương sống" của địa đạo tỏa ra nhiều đường hầm dài ngắn khác nhau, có nhánh dẫn ra tận sông Sài Gòn.
Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Cứ khoảng 10 - 15 m dọc theo đường hầm đều được khoét lỗ, lấy gió từ mặt đất, miệng lỗ được ngụy trang giống như ụ mối đùn. Do đó, căn hầm bí mật là một trong những công trình đặc biệt trong hệ thống địa đạo Củ Chi, được ngụy trang tinh vi ngay dưới lòng đất hoặc bên trong các căn nhà tranh đơn sơ. Từ bên ngoài, hầm hoàn toàn không để lộ dấu vết, nhưng bên trong có thể đủ chỗ cho nhiều người trú ẩn, họp bàn hoặc cất giấu tài liệu, vũ khí. Hệ thống đường hầm thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
![]() |
u khách thưởng thức khoai mì (sắn), đặc sản của vùng đất Củ Chi. |
Trong hành trình khám phá địa đạo là bếp dã chiến Hoàng Cầm. Loại bếp được thiết kế làm loãng khói khi nấu, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác. Tại đây du khách được thưởng thức món khoai mì hấp nước cốt dừa, chấm cùng muối mè, món dân dã của "vùng đất thép".
Ngoài ra, địa đạo Củ Chi còn có nhiều hoạt động đặc sắc như bắn súng, đánh trận... Khi sử dụng các dịch vụ này, du khách được trang bị áo giáp, mặt nạ và được hướng dẫn kỹ lưỡng, tận tình. Tại đây, du khách có thể bắn súng thể thao quốc phòng với các loại đạn: AK47, M16, Carbine, Garand, M60, M30, M1, K54. Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia đánh trận bằng súng sơn. Hoạt động này ngoài mục đích thư giãn còn giúp người chơi tăng khả năng phán đoán, phối hợp đồng đội và rèn luyện sức khỏe.
Để tham gia hoạt động này, du khách sẽ mất 250.000 đồng/người cho chi phí trang phục quy định, trận địa, trọng tài cùng 50 viên đạn được nạp vào súng. Mỗi màn đánh trận sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút. Một lời khuyên cho du khách, nếu có kế hoạch tham gia bộ môn bắn súng, đánh trận thì nên di chuyển đến địa đạo sớm hơn để có nhiều thời gian trải nghiệm.
![]() |
Địa đạo Củ Chi còn có nhiều hoạt động đặc sắc như bắn súng, đánh trận... |
Bên cạnh đó, khi đến đây du khách cũng có thể tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như zipline (đu ròng rọc được treo trên dây cáp), chèo thuyền thúng, thuyền kayak, thuyền phao, đi xe đạp nước đôi, câu cá giải trí... Các trò chơi có giá vé dao động từ 30.000 đồng đến 249.000 đồng/lượt. Ngay trong khu vực địa đạo, khách tham quan cũng có thể thuê lều trại để nghỉ ngơi, tránh nắng với giá từ 100.000 đồng đến 320.000 đồng/lều (mỗi lều ở được từ 2 đến 4 người).
Trong khu tái hiện vùng giải phóng tại Bến Dược, du khách còn có thể trải nghiệm hoạt động bắt cá. Cá do chính tay du khách bắt được có thể được chế biến và thưởng thức ngay lập tức. Nếu đi theo đoàn hoặc gia đình đông người và muốn ăn trưa, du khách có thể liên hệ đặt trước suất ăn với nhà hàng trong khu di tích. Cuối hành trình tham quan Địa đạo Củ Chi, du khách có thể ghé lại các quầy hàng lưu niệm, lựa chọn những món quà được thực hiện tỉ mỉ từ vỏ đạn như bút bi, dây đeo cổ hoặc dép râu làm từ lốp xe cũ và những mặt hàng mỹ nghệ bằng tre, lá đặc trưng của vùng đất Củ Chi.