Du lịch Việt Nam cần chạm tới cảm xúc du khách Du lịch cao cấp Việt Nam cần bước chuyển chiến lược Du lịch xanh chỉ bền khi cộng đồng cùng nhập cuộc |
Chuyển đổi tư duy thiết kế sản phẩm du lịch
![]() |
Du khách trải nghiệm tour liên vùng kết nối cao nguyên, biển và di sản văn hóa đặc sắc |
Việc tái cấu trúc không gian hành chính các tỉnh, thành đã mở ra dư địa mới để ngành du lịch thay đổi cách tiếp cận. Thay vì thiết kế tour theo địa giới hành chính cũ, nhiều doanh nghiệp du lịch đang hướng đến mô hình “không gian trải nghiệm” hoặc theo các chủ đề đặc thù, từ đó hình thành hành trình dài hơn, gắn kết hơn và mang tính cá nhân hóa cao hơn.
Ông Phạm Anh Vũ – Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt – nhận định: việc chuyển hướng sang mô hình tour “liên vùng – liên trải nghiệm” là bước đi mang tính bản lề trong giai đoạn hậu sáp nhập. Theo ông, các sản phẩm mới tập trung khai thác chiều sâu văn hóa, cảnh quan tự nhiên và phong cách sống bản địa – thay vì chỉ dừng lại ở tham quan hay nghỉ dưỡng đơn thuần.
Trên thực tế, nhiều tuyến du lịch mới đã được định hình theo hướng kết nối không gian, như hành trình “Côn Sơn – Kiếp Bạc – Vịnh Lan Hạ – Cát Bà” kết hợp du lịch tâm linh, lịch sử và nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; hay tuyến “Đà Lạt – Mũi Né – Tà Đùng” tạo thành “tam giác vàng” giữa cao nguyên – biển – hồ. Ở miền Trung, tuyến “Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn – Tam Thanh – Tây Giang” đang thu hút đông đảo du khách nhờ sự hòa quyện giữa văn hóa Cơ Tu, rừng di sản Pơmu và phố cổ ven biển.
Đáng chú ý, tour kéo dài 7 ngày từ Đà Nẵng qua Quảng Nam – Nam Giang – Tây Giang đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang mở ra hướng phát triển tiểu vùng du lịch liên quốc gia. Không chỉ các địa phương miền Trung – Tây Nguyên, các trung tâm lớn như TP.HCM cũng tích cực đổi mới sản phẩm. Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết: thành phố đang phát triển mô hình “sản phẩm gắn với hạ tầng”, như tuyến xe buýt điện kết nối bảo tàng – di sản, tour nghỉ dưỡng cuối tuần tại Cần Giờ gắn với rừng ngập mặn, hay hành trình khám phá ẩm thực ven sông nội đô.
Tại TP.HCM mới (được sáp nhập bởi Bình Dương, TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu), xu hướng liên kết không gian du lịch theo mô hình “một hành trình – nhiều điểm đến” được thúc đẩy mạnh mẽ. Các tour tích hợp đa dạng trải nghiệm như biển đảo, sinh thái, công nghiệp và đô thị hiện đại đang trở thành hướng đi chủ lực.
Công ty Vietravel cũng đang triển khai chuỗi “tour xuyên Việt thế hệ mới” gồm 6 chặng, mỗi chặng gắn với một câu chuyện văn hóa – lịch sử – sinh thái đặc trưng. Nhiều địa phương như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Thanh Hóa… trở thành điểm đến chiến lược cho dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao nguyên và du lịch bản địa. Trong xu thế mở rộng kết nối, các tour quốc tế đường bộ nối Đà Nẵng – cửa khẩu Bờ Y đang được tăng tốc, hướng đến phát triển vùng tam giác du lịch Việt Nam – Lào – Campuchia.
Bản sắc văn hóa dẫn dắt trải nghiệm du lịch
![]() |
Chương trình biểu diễn ngoài trời kết hợp nghệ thuật truyền thống và hiện đại thu hút đông đảo du khách |
Song song với đổi mới sản phẩm, nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động tích hợp yếu tố nghệ thuật truyền thống vào hành trình, nhằm tạo dấu ấn khác biệt, tăng chiều sâu trải nghiệm và kể câu chuyện Việt Nam bằng lối biểu đạt riêng, đậm chất cảm xúc.
Tại Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận cũ), chương trình biểu diễn ngoài trời The Alma Show đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong mùa cao điểm hè 2025. Chương trình kết hợp giữa múa rối nước truyền thống, múa đương đại, ảo thuật quốc tế và trình diễn ánh sáng hiện đại – mở ra mô hình giải trí gắn với du lịch độc đáo, góp phần làm phong phú chuỗi trải nghiệm về đêm tại các điểm đến.
Ông Nguyễn Đặng Quang Vinh – CEO Công ty TNHH The Stage VN – cho biết: “Chúng tôi không chỉ tạo ra một sản phẩm biểu diễn, mà còn xây dựng nhịp cầu văn hóa, đưa bản sắc Việt lan tỏa ra thế giới”. Theo ông Vinh, mô hình này đang được mở rộng đến các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt… đồng thời đầu tư đào tạo nghệ sĩ và nâng cấp thiết bị theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ được “cái hồn” dân tộc.
Dưới góc độ chuyên môn, ông Trịnh Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM – nhấn mạnh: “Mỗi tiết mục không chỉ là một màn trình diễn, mà phải là một câu chuyện – câu chuyện chạm đến cảm xúc, truyền tải giá trị văn hóa vùng miền, để du khách hiểu sâu hơn về đất và người Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý: việc xây dựng sản phẩm biểu diễn cần nghiên cứu kỹ đối tượng khán giả. Ví dụ, du khách theo tour charter đến Nha Trang thường lưu trú ngắn ngày, có gu thẩm mỹ riêng, do đó các chương trình nghệ thuật cần được tinh chỉnh để vừa hấp dẫn, vừa có tính tương tác cao nhưng vẫn đảm bảo chiều sâu nội dung.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – khẳng định: ngành du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo, ưu tiên chính sách đột phá về visa, thuế, xuất nhập cảnh và mở rộng mạng lưới hàng không. Đặc biệt, ngành xác định phát triển sản phẩm theo chiều sâu, thúc đẩy liên kết vùng và định vị thương hiệu quốc gia. “Chúng tôi tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có khả năng tạo nhận diện thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời triển khai chiến lược quảng bá hiện đại, hiệu quả”, ông Khánh nhấn mạnh.