Sáp nhập tỉnh thành và bài toán giữ hồn di sản Giữ hồn di sản trong không gian mới: Chìa khóa phát triển bền vững sau sáp nhập tỉnh Di sản thứ 9 khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam |
Công nghệ không thay thế được cộng đồng di sản
![]() |
Du khách sử dụng mã QR để tiếp cận thông tin di sản tại Đại Nội Huế – một hình thức ứng dụng công nghệ đơn giản giúp lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng. |
Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) đang bước vào lĩnh vực bảo tồn di sản và du lịch văn hóa với những bước tiến rõ rệt. Ở nhiều địa phương như Huế, Quảng Bình, công nghệ đang tái hiện không gian di sản một cách sống động, giúp du khách “du hành” về quá khứ chỉ bằng một chiếc kính AR hoặc điện thoại thông minh. Từ các nghi lễ triều Nguyễn tại Ngọ Môn đến không gian hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, hình ảnh 3D, video 360 độ, thuyết minh số đã tạo nên những hành trình khám phá mới, giàu cảm xúc và tính tương tác.
Tuy nhiên, chính các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng: công nghệ không thể thay thế cảm xúc, ký ức hay chiều sâu văn hóa mà chỉ là công cụ hỗ trợ. Ông Đặng Hồng Nguyên Khang, Nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ New Jersey (Mỹ) khẳng định: “VR không nên chỉ dừng ở việc mô phỏng hình ảnh. Một sản phẩm thực sự hấp dẫn cần đánh thức nhiều giác quan như thị giác, thính giác, cảm xúc và phải có chiều sâu văn hóa.” Nhận định này phản ánh thực tế rằng, một di sản số nếu thiếu “hồn”, thiếu bối cảnh và kết nối cộng đồng sẽ khó giữ được giá trị lâu dài.
Mặt khác, công nghệ trong du lịch còn góp phần thay đổi cách thiết kế và vận hành sản phẩm. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng Giám đốc AZA Travel, AI hiện có thể đảm nhận phần lớn công việc trước đây cần chuyên môn cao, như thiết kế hành trình, gợi ý tour phù hợp từng nhóm khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp cá nhân hóa sản phẩm và tối ưu hóa chi phí vận hành. Tuy vậy, sự tiện lợi ấy không thể thay thế vai trò của con người trong dẫn dắt, truyền cảm hứng và kết nối văn hóa – điều mà hướng dẫn viên hoặc cư dân địa phương vẫn giữ vai trò chủ đạo.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch bền vững (CST) cho rằng: “Công nghệ không loại bỏ vai trò của hướng dẫn viên, mà nâng tầm họ trở thành ‘người kể chuyện sống’ trong thế giới ảo.” Chính sự hiện diện của con người, những câu chuyện được kể bằng cảm xúc thực, mới là yếu tố khiến trải nghiệm du lịch văn hóa trở nên sâu sắc và không thể sao chép.
Hợp lực công nghệ và cộng đồng để bảo tồn bền vững
![]() |
Khách tham quan trải nghiệm không gian thực tế ảo về triều Nguyễn tại Huế – công nghệ góp phần tái hiện lịch sử nhưng không thể thay thế cảm xúc thật và tương tác người thật. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Để ứng dụng công nghệ thực sự phát huy hiệu quả trong bảo tồn di sản, cần một cấu trúc vận hành lấy cộng đồng làm trung tâm – nơi con người không chỉ là “người xem” mà là chủ thể sáng tạo, truyền cảm hứng và bảo vệ ký ức văn hóa. Một ví dụ tiêu biểu là Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các nghi lễ cung đình như lễ Tiến lịch, lễ Thượng tiêu, lễ ban quạt… được phục dựng nhờ sự tham gia của người dân thủ đô – từ chủ tế về hưu đến công nhân, cán bộ đoàn hay nhà thiết kế. Di sản từng xa cách với cộng đồng vì tính chất “cung đình”, giờ đây đã trở thành nơi tổ chức hoạt động văn hóa, học tập ngoại khóa của hàng chục nghìn học sinh mỗi năm.
Không chỉ ở Hà Nội, tại Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Trung tâm Bảo tồn Di sản đã phối hợp với các trường học tổ chức nhiều chương trình giáo dục di sản như: Em yêu lịch sử, Cùng khám phá Thành nhà Hồ, Em làm nhà khảo cổ học... Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh – Giám đốc Trung tâm – nhấn mạnh: “Bồi đắp tình yêu di sản cho học sinh chính là cách bền vững nhất để bảo tồn lâu dài.” Quan điểm này cũng được củng cố bằng ý kiến của Thạc sĩ Trần Tuyên (ĐH Quốc gia TP.HCM): nếu trải nghiệm số được thiết kế thân thiện, đơn giản, thì VR hoàn toàn có thể phù hợp cả với nhóm lớn tuổi, không chỉ giới trẻ.
Ngoài yếu tố giáo dục và trải nghiệm, một thách thức không thể bỏ qua là bài toán sinh kế – lợi ích hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Trị), nơi sinh sống của hơn 60.000 người thuộc các dân tộc như Chứt, Bru – Vân Kiều, Ban Quản lý đã phối hợp các tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương để vừa bảo vệ rừng vừa hỗ trợ sinh kế: chi trả dịch vụ môi trường, cung cấp giống cây – con, hướng dẫn làm du lịch sinh thái… Nhờ đó, người dân vừa có việc làm ổn định, vừa trực tiếp tham gia gìn giữ giá trị tự nhiên và văn hóa của di sản.
Tuy nhiên, những mô hình như vậy chưa phổ biến rộng. Theo Phó Giáo sư Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, mô hình kinh tế tư nhân hay hợp tác công tư còn hạn chế, khiến giá trị di sản chưa được phát huy đầy đủ.” Ông đề xuất cần xây dựng các mô hình tương thích như cộng đồng quản lý, Nhà nước hướng dẫn; hoặc hợp tác ba bên giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Một ví dụ thành công đáng học hỏi là Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Nơi đây đã xây dựng mô hình hợp tác công – tư – cộng đồng điển hình. Giám đốc Ban Quản lý danh thắng – ông Bùi Việt Thắng – chia sẻ: “Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cộng đồng vận hành dịch vụ và bảo vệ môi trường, Nhà nước định hướng và kiểm tra, còn giới khoa học tư vấn chuyên môn. Cơ chế minh bạch và phát triển có trách nhiệm đã giúp du lịch Tràng An tạo sinh kế cho hàng chục nghìn người.”
Những ví dụ từ thực tế cho thấy: công nghệ là chất xúc tác giúp bảo tồn di sản theo cách mới, nhưng không thể phát huy nếu thiếu sự tham gia của con người. Ngược lại, cộng đồng cũng khó bảo tồn hiệu quả nếu không có công cụ mới để kể lại câu chuyện của chính mình. Muốn giữ hồn di sản trong thời đại số, không thể chỉ “số hóa di sản” mà cần “di sản hóa công nghệ” – nghĩa là làm cho công nghệ trở thành một phần của văn hóa, mang hồn cốt, chiều sâu và cảm xúc. Khi đó, công nghệ không thay thế con người, mà cộng hưởng cùng cộng đồng để gìn giữ, phát huy và truyền lại những giá trị văn hóa cho thế hệ sau.