Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước Miễn thị thực cho công dân 12 nước, du lịch Việt Nam "mở toang" cửa đón khách Miễn thị thực - chính sách mở ra cơ hội vàng cho du lịch Việt |
Thị trường khởi sắc nhờ chính sách thị thực linh hoạt
![]() |
Khách quốc tế trải nghiệm không gian đô thị hiện đại tại TP.HCM – một trong những điểm đến thu hút lượng tìm kiếm cao sau khi mở rộng chính sách miễn thị thực |
Ngay sau khi Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực 45 ngày cho công dân Ba Lan, Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc, thị trường du lịch quốc tế đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Theo nền tảng du lịch số Agoda, lượng tìm kiếm nơi lưu trú tại Việt Nam trong mùa hè 2025 từ Ba Lan tăng tới 306%, từ Cộng hòa Séc tăng 155% và từ Thụy Sĩ tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, phản ánh rõ tác động lan tỏa từ chính sách thị thực trong việc thu hút du khách châu Âu.
Việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, kéo dài thời gian lưu trú và tiết kiệm chi phí đi lại đã mở ra không gian trải nghiệm rộng hơn cho du khách. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc và Nha Trang – những trung tâm du lịch có hạ tầng phát triển và dịch vụ đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách quốc tế.
Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Quốc gia Agoda tại Việt Nam, nhận định chính sách miễn thị thực lần này là “cú hích chiến lược”, giúp thị trường châu Âu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn. Hưởng ứng xu hướng, Agoda đã triển khai các chương trình ưu đãi đồng bộ về lưu trú, vé máy bay và dịch vụ giải trí dành riêng cho các thị trường được miễn thị thực.
Các doanh nghiệp lữ hành trong nước cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Theo bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour, khách châu Âu hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế của công ty, chủ yếu lựa chọn tour xuyên Việt, nghỉ dưỡng biển và trải nghiệm ẩm thực địa phương. Đây là nhóm khách có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài và quan tâm sâu đến bản sắc văn hóa.
Từ góc độ phát triển sản phẩm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết du khách đến từ Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ đang có xu hướng chuyển dịch từ du lịch đại trà sang các sản phẩm được cá nhân hóa. Những loại hình như du lịch golf, tàu biển cao cấp, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch thám hiểm ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng kết hợp giữa thư giãn và khám phá độc đáo.
Đa dạng sản phẩm, chuẩn hóa dịch vụ để giữ chân khách
![]() |
Các sản phẩm du lịch cao cấp như nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, golf và tàu biển đang được đẩy mạnh nhằm nâng tầm trải nghiệm du khách châu Âu. |
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Lưu – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) nhận định: “Việc miễn thị thực là bước đi quan trọng, nhưng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường trải nghiệm bản địa cho du khách”.
Thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút khách quốc tế. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kết quả tích cực hiện tại là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong tháo gỡ rào cản chính sách, đặc biệt ở thị thực điện tử, kết hợp với nỗ lực đổi mới từ phía doanh nghiệp.
Các chương trình xúc tiến quốc tế cũng được đẩy mạnh tại các thị trường trọng điểm như Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan và Séc. Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện lớn như Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin (Đức), Liên hoan phim Cannes (Pháp) với hoạt động quảng bá du lịch điện ảnh, cùng các chiến dịch truyền thông số hướng tới đối tượng du khách cao cấp.
Song song, chiến dịch “Việt Nam – Đi để yêu” tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025, không chỉ kích cầu nội địa mà còn tạo hiệu ứng truyền thông tích cực lan tỏa đến quốc tế. Các gói ưu đãi đồng hành như giảm giá vé máy bay, tàu hỏa, hỗ trợ nhóm đoàn hay khuyến mãi từ doanh nghiệp vận tải – lữ hành đang góp phần tăng sức hút điểm đến.
Đặc biệt, việc mở rộng các đường bay thẳng và thuê chuyến từ châu Âu về Việt Nam được xem là yếu tố quyết định để rút ngắn thời gian di chuyển và nâng cao trải nghiệm cho khách. Đây cũng là một trong những ưu tiên chiến lược trong kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến quốc gia.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy lượng khách từ Ba Lan tăng 44,3%, từ Thụy Sĩ tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước – minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách miễn thị thực ngắn hạn theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Những kết quả này là cơ sở để mở rộng chính sách sang các thị trường tiềm năng khác như Áo, Hà Lan, Bỉ…
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách quốc tế ngày càng gay gắt, chính sách miễn thị thực là “chiếc chìa khóa vàng” để Việt Nam mở cánh cửa vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, chỉ khi chính sách đi đôi với sản phẩm phù hợp và dịch vụ đạt chuẩn, Việt Nam mới có thể chuyển mình từ “điểm đến giá rẻ” sang “điểm đến đẳng cấp”, nâng tầm thương hiệu quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.