Du lịch Việt Nam cần chạm tới cảm xúc du khách Du lịch cao cấp Việt Nam cần bước chuyển chiến lược Du lịch xanh chỉ bền khi cộng đồng cùng nhập cuộc |
Bài toán nhân lực đang làm chậm guồng tăng trưởng
![]() |
Lượng khách quốc tế tăng mạnh sau đại dịch khiến ngành du lịch đối mặt với áp lực thiếu hụt nhân lực tại các điểm đến lớn. |
Sáu tháng đầu năm 2025, TP Hồ Chí Minh đón hơn 9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 436.500 tỷ đồng – một con số ấn tượng cho thấy tốc độ phục hồi và quy mô thị trường ngày càng lớn. Nhưng đằng sau con số tăng trưởng ấy là một thực tế nhức nhối: nguồn nhân lực không theo kịp nhu cầu.
Cục Du lịch Quốc gia cho biết ngành hiện thiếu khoảng 30–40% lao động có kinh nghiệm. Nhiều đơn vị tuyển dụng được người nhưng vẫn phải đào tạo lại từ đầu. Tình trạng phổ biến là lao động trẻ yếu kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ thấp, chưa từng xử lý tình huống thực tế với khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cảnh báo, kỹ năng chăm sóc khách hàng, xử lý khủng hoảng vẫn đang bị xem nhẹ hoặc gần như chưa được đào tạo bài bản. “Du lịch là ngành làm dâu trăm họ. Nếu thiếu nhân lực chất lượng cao thì không thể xây dựng ngành dịch vụ chất lượng cao”, bà nói.
Đáng nói, tình trạng thiếu hụt nhân lực không chỉ xảy ra ở tầng lớp phổ thông mà còn đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm lao động có chuyên môn cao. Một phần nguyên nhân đến từ “di chứng” hậu COVID-19: hàng loạt nhân sự kỳ cựu đã rời bỏ ngành và không quay trở lại.
Theo TS Daisy Kanagasapapathy (Đại học RMIT Việt Nam), chính khoảng trống kỹ năng này đang cản trở mục tiêu nâng tầm chất lượng dịch vụ và thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Mùa cao điểm du lịch cuối năm đang đến gần, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán nhân sự – vốn không thể giải quyết chỉ bằng tăng lương hay tuyển gấp.
Về nguyên nhân sâu xa, các chuyên gia chỉ rõ một điểm nghẽn cố hữu: đào tạo không gắn thực tiễn. PGS.TS Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – cho rằng, đa số sinh viên du lịch ra trường đều phải học lại mới có thể làm việc được. Điều này cho thấy sự lệch pha nghiêm trọng giữa chương trình đào tạo hiện tại và nhu cầu thực tế.
Đào tạo lại tư duy đào tạo để giữ chân nhân tài
![]() |
Du lịch cộng đồng đòi hỏi đội ngũ nhân lực am hiểu văn hóa bản địa và kỹ năng phục vụ bài bản để mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho du khách quốc tế. |
Từ yêu cầu cấp thiết thực tiễn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành du lịch không thể trông chờ một bộ hay một ngành riêng lẻ giải quyết bài toán nhân lực. Cần một cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và cả doanh nghiệp, địa phương. Theo TS Daisy Kanagasapapathy, cải cách bộ máy Chính phủ đang tạo ra khí thế đổi mới mạnh mẽ và đây chính là thời điểm thuận lợi để cải tổ công tác phát triển nhân lực du lịch theo hướng thực chiến và đồng bộ.
Ở góc độ chiến lược, PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh ngành cần tái cấu trúc toàn diện chương trình đào tạo. Giáo trình cũ kỹ không còn phù hợp. Các khóa học nên mô phỏng thực tế, từ quản lý tour, vận hành khách sạn đến kỹ năng quản trị khủng hoảng. Đặc biệt, doanh nghiệp phải là đồng thiết kế chương trình – không chỉ là nơi nhận thực tập sinh.
Thực tế cho thấy, một số tập đoàn như Sun Group, Vinpearl hay Saigontourist đã đi trước một bước khi xây dựng mô hình đào tạo “đặt hàng từ doanh nghiệp”. Sinh viên được học sát với yêu cầu công việc và sẵn sàng làm việc ngay sau tốt nghiệp mà không cần đào tạo lại.
Tuy nhiên, bài toán nhân lực không dừng ở đào tạo. TS Justin Matthew Pang (ĐH RMIT Việt Nam) cho rằng, cần mở rộng hệ đào tạo để đón đầu các xu thế mới như: quản lý doanh thu, tài sản, sức khỏe, dịch vụ hàng xa xỉ hay công viên giải trí. Các kỹ năng này phải gắn với kỹ năng nghề nghiệp cốt lõi để tạo ra lực lượng lao động toàn diện và sẵn sàng ngay từ ngày đầu đi làm.
Một khía cạnh quan trọng khác là chiến lược giữ chân nhân sự. “Doanh nghiệp cần xem người lao động là tài sản dài hạn chứ không phải lao động thời vụ”, TS Pang nhấn mạnh. Theo ông, việc trân trọng nhân viên – thể hiện qua lộ trình thăng tiến rõ ràng, lương thưởng cạnh tranh và cân bằng công việc – cuộc sống – chính là chìa khóa để giữ chân người giỏi, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Vũ – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt – bổ sung thêm một giải pháp mang tính “tại chỗ”: khuyến khích đào tạo và sử dụng nhân lực địa phương. Đây là hướng đi kép: vừa giải quyết việc làm tại địa phương, vừa bảo đảm sự ổn định và tính bền vững của chuỗi cung ứng lao động.
Khi nhân lực du lịch được đào tạo đúng, đánh giá đúng và định hướng rõ ràng, ngành không chỉ tránh được tình trạng “được mùa mất nhân sự” mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn cho thương hiệu điểm đến Việt Nam. Trong cuộc đua thu hút khách toàn cầu, chiến thắng sẽ thuộc về quốc gia biết đầu tư đúng vào con người – nguồn tài nguyên quý giá nhất của ngành dịch vụ.