Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban 2022 Lễ hội truyền thống tỉnh Hòa Bình chỉ tổ chức phần lễ Đà Nẵng tạm ngừng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2022 |
Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá |
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Kiên Giang có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc và đa dạng. Trong kho tàng di sản văn hóa đó, lễ hội truyền thống chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang quan tâm nghiên cứu, lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu để bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tôn vinh di sản văn hóa, truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Kiên Giang.
Hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhiều lễ hội nhưng đặc sắc và tiêu biểu nhất là Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các tại thành phố Hà Tiên; Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng huyện Tân Hiệp; Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá; Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng tại huyện Hòn Đất; Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương tại huyện Giồng Riềng; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao; Lễ hội Nghinh Ông xã Lại Sơn tại huyện Kiên Hải.
Những năm gần đây, các lễ hội này đều trở thành tâm điểm, là một trong 14 sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu hàng năm của tỉnh được tổ chức trang trọng, nâng tầm cả về quy mô, chất lượng các hoạt động và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đảm bảo nội dung và hình thức hoạt động, ý nghĩa của từng lễ hội, thực sự đem lại cho người dân “bữa tiệc văn hóa” phong phú, đậm bản sắc dân tộc. Qua đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.
Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng Tân Hiệp |
Hiệu quả từ việc tổ chức lễ hội đã tác động đến nhiều mặt và có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân.
Tổ chức lễ hội hiệu quả, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc văn hóa địa phương, phát triển du lịch bền vững mà còn kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và nhân dân; làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn du khách khi đến tham gia du lịch ở Kiên Giang.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, tỉnh đã coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tổ chức tốt lễ hội. Đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội.
Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá |
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội, xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.
Sở Văn hóa và Thể thao trình và được UBND phê duyệt Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, huyện Tân Hiệp; quý I/2022, tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng tại huyện Hòn Đất; Lễ hội Nghinh Ông xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải và đến cuối năm 2022, trình phê duyệt Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các tại thành phố Hà Tiên.
Việc xây dựng các đề án này nhằm nhận diện và đánh giá thực trạng việc tổ chức Lễ hội Đền Hùng, huyện Tân Hiệp; Lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, huyện Hòn Đất; Lễ hội Nghinh Ông xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải; Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, thành phố Hà Tiên hiện nay và nhu cầu của công chúng trong hưởng thụ loại hình văn hóa này.
Xây dựng chương trình kịch bản, mở rộng quy mô tổ chức phù hợp với nhu cầu của người dân. Góp phần nâng cao đời sống tinh thần và định hướng giáo dục chính trị tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - văn hóa; lấy văn hóa làm nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của địa phương.
Đưa hoạt động lễ hội thật sự trở thành hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người Kiên Giang, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác tổ chức lễ hội; phát huy hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong tổ chức lễ hội, đồng thời huy động mọi nguồn lực thực hiện xã hội hóa phục vụ công tác tổ chức lễ hội.
Lễ hội Nghinh Ông Kiên Giang |
Việc mở rộng quy mô tổ chức lễ hội trên cơ sở nội dung, ý nghĩa, mục đích của lễ hội và cách thức tổ chức, kết hợp được sự tham gia của các cấp, các ngành và nhân dân; đề xuất cơ chế chính sách, các điều kiện về tổ chức hoạt động phần lễ và phần hội; đầu tư cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, nguồn lực, xây dựng kịch bản và phương án khung tổ chức lễ hội sao cho tương xứng với quy mô, phù hợp với sự phát triển lễ hội trong những năm tới.
Trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao còn tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá; di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên. Biên soạn và phát hành sách quảng bá, giới thiệu về các lễ hội tiêu biểu của tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân và du khách có thể tìm hiểu thêm về di sản lễ hội của Kiên Giang.
Với tinh thần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc, nét riêng biệt, độc đáo của từng lễ hội trên cơ sở “kế thừa và phát triển”, “gạn đục, khơi trong” và bằng sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành chức năng trong việc quan tâm, không ngừng nâng cao chất lượng, nội dung của các lễ hội; tăng cường công tác tổ chức, quản lý thì tin tưởng rằng, một số lễ hội tiêu biểu của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách, là điểm đến ý nghĩa và hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách mỗi khi đến với Kiên Giang.