Cà phê Đắk Đam đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
|
Biến núi đá thành vùng sản xuất trù phú
Ở Đắk Nông, quýt đường núi lửa, cam sành núi lửa là hai sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao. Cả hai sản phẩm này đều có vị ngọt rất đặc biệt mà khi ăn vào khiến người ta lưu luyến mãi. Sản phẩm rất nhiều người biết đến nhưng ít người biết rằng, để có 2 loại trái đặc biệt đó, người trồng nó đã trải qua những gian truân không nhỏ.
Chị Mai cùng vườn cam sành, quýt đường của mình. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ nhân 2 sản phẩm quýt đường, cam sành núi lửa kể với chúng tôi, năm 2016, từ một người làm kinh doanh, chị chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Nhưng thay vì chọn vùng đất màu mỡ để phát triển sự nghiệp, chị lại chọn vùng đá dưới chân núi lửa Nâm Ka.
Vùng đất này nằm cạnh quốc lộ 28, thuộc thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông). Hàng chục năm qua, nơi này hoang vu. Đất đó có đến 90% là đá, nắng nóng khắc nghiệt nên người dân trong vùng không thể trồng trọt gì.
"Tôi nhận thấy các điều đó lại phù hợp với việc canh tác của mình. Bởi vùng đất không chịu tác động của con người thì hoàn toàn sạch, tự nhiên rất phù hợp cho việc phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ"- chị Mai lý giải.
Một số chuyên gia nước ngoài thăm vườn của chị Mai. Ảnh: Duy Hậu. |
Vốn là người kinh doanh rau, củ, quả, chị Mai nhận thấy có rất nhiều sản phẩm của nông dân không đảm bảo chất lượng. Từ công việc kinh doanh, chị Mai đã gặp và học hỏi được kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp nước ngoài trong việc sản xuất trái cây sạch. Từ những trải nghiệm thực tế này, chị đã đi đến quyết định tự mình làm ra sản phẩm hữu cơ, an toàn, chất lượng.
"Tôi phải mất 3 năm để nghiên cứu, hình thành nên vườn cây. Đất không thể cày xới do chủ yếu là đá, nên tôi đào hố rồi mang đất nơi khác đổ vào. Trong vườn tôi đào hồ, lót bạt bên dưới rồi bơm nước từ dưới sông lên chứa ở đó để tưới cho cây... Tất cả đều hết sức khó khăn"- chị Mai nói.
Ròng rã nhiều năm trời, cuối cùng chị Mai đã có một vườn cam sành, quýt đường rộng đến 22ha. Đối với người dân trong vùng, vườn trái cây của chị Mai như một phép màu. Chúng tươi tốt một cách thần kỳ dù không được tưới, bón bất cứ loại phân hoá học nào.
Các sinh viên tại TP.HCM tham quan, dã ngoại tại vườn cam sành, quýt ngọt của chị Mai. Ảnh: Hoàng Hoài. |
"Tôi xem cỏ là bạn. Thay vì dùng thuốc để diệt cỏ, tôi nuôi cỏ. So với các vùng khác, nơi này cần lượng nước tưới gấp đôi, do đó cỏ giúp cây trồng của tôi giữ ẩm. Cỏ chết đi tạo thành một lớp mùn để nuôi lại cây trồng"- chị Mai chia sẻ.
Chị Mai cho biết thêm, bản thân luôn muốn cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn nhất. Vì vậy, trong quá trình canh tác, chị hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc được điều chế từ tỏi, gừng, ớt, sả, quế, đương quy… để chăm sóc cây trồng.
Đặc biệt, để tạo độ ngọt cho cam, quýt chị không sử dụng các loại phân hóa học mà dùng quả đu đủ, chuối… ủ, lên men vào vườn cây. Cùng với đó, hấp thụ được dưỡng chất từ nham thạch núi lửa, vườn cam quýt của chị Mai khi chín có độ ngọt dịu rất khác biệt.
Bên cạnh việc trồng theo hướng hữu cơ, vườn cam sành, quýt đường của chị Mai cách ly với vùng sản xuất nông nghiệp của người dân nên cho ra những trái ngọt hoàn toàn sạch, rất an toàn.
Thành lập hợp tác xã cung cấp sản phẩm sạch
Để liên kết, phát triển sản xuất năm 2020, chị Mai đã vận động thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, liên kết sản xuất với các hộ lân cận. Chị Mai làm Giám đốc hợp tác xã.
Năm 2021, hợp tác xã đạt được chứng nhận Hữu cơ Việt Nam. Cũng trong năm 2021, "Cam sành núi lửa" và "Quýt đường núi lửa" của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Cam sành, quýt đường núi lửa là 2 sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông, được xếp hạng 4 sao. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Hiện mỗi năm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú thu hoạch hơn 150 tấn cam sành, quýt đường, hơn 200 tấn rau, củ. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc nên được các siêu thị bao tiêu với mức giá ổn định.
So sánh với giá thị trường, sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú có giá thành cao gấp đôi thậm chí gấp 3. Tuy nhiên, sản phẩm của hợp tác xã khi sản xuất ra đều tiêu thụ hết. Doanh thu hàng năm của hợp tác xã đạt trên 10 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận cao cho các thành viên.
Sau thời gian hoạt động hiệu quả, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Quảng Phú đã giúp thành viên và người dân trên địa bàn có cái nhìn mới về sản xuất hữu cơ. Mô hình này không chỉ giúp nông dân trên địa bàn thay đổi cách nghĩ, cách làm và học tập để làm giàu từ nông nghiệp mà còn là điểm sáng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Sản phẩm của hợp tác xã phù hợp với xu thế tiêu dùng, thích nghi với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị, mở ra cơ hội phát triển mới.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, hợp tác xã đang từng bước quy hoạch đồng ruộng, xây dựng nhà Homestay, farmstay, khu trưng bày sản phẩm để phục vụ du lịch tham quan học tập và trải nghiệm. Hiện nay, ngoài sản phẩm tươi, Hợp tác xã đang nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chế biến sâu như hoa quả, rau củ quả sấy…
Chị Mai cho biết thêm: “Để việc sản xuất, thu hoạch gắn với một địa chỉ tiêu thụ ổn định thì bản thân - là người đứng đầu hợp tác xã- đã nghiên cứu, tìm tòi, đặc biệt đã đi khảo sát thực tế thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó phải kể đến thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…
Cùng với sự kết nối thông qua các diễn đàn chuyên ngành nông nghiệp, đến nay hợp tác xã chúng tôi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều đơn vị lớn trong cả nước có thể kể đến như: Công ty Hòn đất; Công ty TNHH KATA FARM HUB (tại TP Buôn Ma Thuột) với hơn 100 cửa hàng,…Với quyết tâm không dừng lại ở thị trường trong nước, trong thời gian tới hợp tác xã chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường khó tính như Nhật bản, các nước EU”…