Cà phê Đắk Đam- hương vị đặc trưng, chất lượng vượt trội
Năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An đã được thành lập. Hợp tác xã có địa chỉ tại thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Cũng trong năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An đã tham gia vào Hiệp hội cà phê Thương mại- Công bằng (TMCB) Thế giới và được cấp giấy chứng nhận Fairtrade.
Cà phê bột Đắk Đam được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Điều này đồng nghĩa là sản phẩm của hợp tác xã đã được kiểm tra để đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất với điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ môi trường, sinh kế bền vững và quỹ phát triển cộng đồng. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê ướt và nâng cấp lò sấy tại xã Thuận An nhằm phục vụ toàn thể thành viên hợp tác xã và bà con nông dân địa phương có nhu cầu trong vụ thu hoạch.
Nhà máy chế biến cà phê ướt của Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Với việc chế biến cà phê ướt, sản phẩm làm ra sẽ sạch, chất lượng cao. Không chỉ thế việc chế biến bằng công nghệ này còn giúp tăng thêm sản lượng đạt nhân cho bà con nông dân. Sản phẩm cà phê chế biến ướt sẽ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bà con nông dân còn được cộng thêm hơn 5.000đ/kg so với giá bán cà phê tại địa phương.
Ngoài sản phẩm cà phê nhân, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An còn có sản phẩm cà phê bột với thương hiệu "Cà phê Đắk Đam". Năm 2020, Cà phê bột Đắk Đam được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An được cấp chứng nhận Fairtrade vào năm 2012. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Cà phê bột Đăk Đam có hương vị cà phê đặc trưng của vùng đất đỏ Tây nguyên nói chung và vùng đất núi lửa Thuận An nói riêng. Nguyên liệu làm ra cà phê bột Đắk Đam được bà con đồng bào M’nông canh tác thuận tự nhiên, chủ yếu sử dụng phân vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi đến mùa thu hoạch, người dân đợi trái chín đỏ tươi mới thu hái, do đó tỷ lệ trái chín đạt 100% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Sản phẩm Cà phê bột Đắk Đam khi đưa ra thị trường đã nhanh chóng được khách hàng tin dùng. Hiện sản phẩm này có gói giấy với giá bán khoảng 160.000 đồng/kg và sản phẩm cao cấp hộp thiếc có giá khoảng 250.000 đồng/kg.
Cà phê bột Đắk Đam không chỉ được đánh giá là sản phẩm chất lương cao mà còn có bao bì đẹp, hộp thiếc sang trọng. Với hai mẫu đóng gói khác nhau, Cà phê bột Đắk Đam vừa phù hợp cho những khách hàng thưởng thức trực tiếp vừa có thể làm món quà biếu sang trọng của địa phương dành cho khách ngoài tỉnh.
Cải thiện sinh kế, xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Hữu Hạ- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An cho biết, hợp tác xã hiện có 58 thành viên chính thức và hơn 60 thành viên liên kết (trong đó có 23 thành viên chính thức là bà con đồng bào dân tộc thiểu số). Đây cũng là hợp tác xã có nhiều thành viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhất của tỉnh Đắk Nông. Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An có cây trồng chính là cây cà phê, diện tích đăng ký 98ha, sản lượng đăng ký hàng năm khoảng 300 tấn.
Cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An được thu hái khi trái đã chín 100%. Ảnh: Hoàng Hoài. |
"Thành viên hợp tác xã, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc vườn cà phê theo quy trình của tổ chức Fairtrade. Bà con cũng được hỗ trợ phân bón vi sinh tái canh cà phê nhằm hỗ trợ cải thiện sản xuất cà phê bền vững và bảo vệ môi trường. Do có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hợp tác xã bảo đảm đầu ra cho thành viên"- ông Hạ cho biết.
Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An thực hiện tốt chính sách phúc lợi xã hội tại địa phương như đầu tư hệ thống đèn đường, nhà tình thương, làm đường bê tông... Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hợp tác xã hỗ trợ thực phẩm nhu yếu phẩm cho các hộ bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và thành viên hợp tác xã.
Bằng việc tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Do có nhiều thành tích trong sản xuất, cũng như đóng góp cho cộng đồng, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An được chứng nhận là hợp tác xã có sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2018, cấp khu vực năm 2018. Hợp tác xã cũng vinh dự được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2015, cờ thi đua của Chính phủ năm 2015 và nhiều thành tích, giải thưởng khác…
Theo đánh giá, Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An là một trong những hợp tác xã điển hình, là điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh Đắk Nông. Hợp tác xã đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, cải thiện sinh kế của thành viên và cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác xã trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.