Sản phẩm OCOP Đắk Nông đa dạng, chất lượng
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay Đắk Nông đã có 60 sản phẩm OCOP. Trong đó 7 sản phẩm được phân hạng 4 sao, các sản phẩm còn lạt đạt 3 sao.
Quá trình thực hiện, chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Do đó, chương trình đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy sức mạnh và vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.
![]() |
Hiện nay, Đắk Nông có 60 sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Đắk Nông là tỉnh có nhiều ưu thế về sản xuất hàng hóa từ các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu. Do đó, sản phẩm OCOP của tỉnh khá da dạng như: sầu riêng, măng cụt, bơ, xoài, cam, quýt, dưa lưới, bưởi da xanh....; sản phẩm chế biến từ cà phê, ca cao, mắc ca, tiêu, điều, gạo và chế biến từ gạo, sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo; sản phẩm chế biến từ quả mãng cầu, sản phẩm chế biến từ thịt bò, mật ong, nấm linh chi, tinh bột nghệ, chuối sấy dẻo, rau củ...
![]() |
Sản phẩm OCOP của Đắk Nông rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm từ ngành nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đang phối hợp các đơn vị tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao đối với 2 sản phẩm là cà phê Honey và Bột Ca cao nguyên chất. Đây là 2 sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông.
Theo đánh giá, các sản phẩm được chứng nhận đều là những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây cũng là những sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
![]() |
Hiện Đắk Nông có 7 sản phẩm được xếp hạng 4 sao. |
Sau khi được đánh giá, phân hạng, các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng, mẫu mã, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giá trị sản phẩm từng bước được nâng cao. Các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Thị trường phân phối sản phẩm OCOP của tỉnh cũng tương đối đa dạng. Một số mặt hàng như cà phê, hạt điều, tiêu... được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thì thị trường nội địa. Việc phân phối sản phẩm cũng đa dang qua các kênh như: hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý, chợ đầu mối, chợ truyền thống, các sàn thương mại điện tử...
![]() |
Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông từng bước cải tiến cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Đặc biệt tại Đắk Nông đã thành lập 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Việc này tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP,cơ sở sản xuất sản phẩm, hàng hóa có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng và khách du lịch đến với Đắk Nông; các doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh liên kết.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại địa phương, khách du lịch có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín, nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền. Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng thiết kế những giỏ quà biếu sang trọng theo yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các dịp lễ, tết.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu đánh giá phân hạng mới từ 5-10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.
Theo đó, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hoá địa phương…).
Hàng năm, tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn gắn với thực hiện chu trình OCOP cho các chủ thể OCOP. Trong đó, nội dung chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy suất nguồn gốc sản phẩm… phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP.
![]() |
Đắk Nông từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Trong thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.
Cùng với đó, mô hình điểm bán hàng OCOP sẽ tiếp tục được nhân rộng. Hệ thống phân phối được tiếp tục xây dựng phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Đắk Nông cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, Đắk Nông cũng có kế hoạch thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.