Chìa khóa để sản phẩm OCOP hút khách
![]() |
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm OCOP. |
Theo thống kê từ ngành Công Thương Hà Nội, thủ đô hiện có 3.317 sản phẩm OCOP – chiếm 21,3% tổng số sản phẩm OCOP cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, dù dẫn đầu cả nước về số lượng, hành trình đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị vẫn còn nhiều gian nan. Không ít sản phẩm có chất lượng cao, được đánh giá tốt, nhưng lại “rơi rụng” sau một thời gian ngắn hiện diện trên các kệ hàng. Điều này xảy ra ngay cả khi có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và hiệp hội chuyên ngành.
Bài toán đặt ra là: làm thế nào để giúp sản phẩm OCOP Việt trụ vững và tỏa sáng trong hệ thống bán lẻ hiện đại? Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – ông Nguyễn Anh Đức – chỉ ra rằng, sản phẩm OCOP thường được sản xuất nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ, khó đảm bảo nguồn cung lớn cho các siêu thị. Thêm vào đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về hồ sơ truy xuất nguồn gốc – một tiêu chí bắt buộc trong các đơn hàng lớn.
Ngoài ra, nhiều chủ thể OCOP vẫn còn hạn chế về quy mô và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, cũng như kỹ năng quản lý chất lượng sản phẩm. Hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu và định vị sản phẩm cũng chưa được đầu tư bài bản. Một thực tế dễ thấy là tại không ít siêu thị, sản phẩm OCOP vẫn xuất hiện với diện mạo khá đơn điệu. Bao bì thiếu hấp dẫn, thiết kế chưa chuyên nghiệp khiến chúng khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Đây chính là điểm nghẽn mà các chuyên gia cho rằng cần được tháo gỡ – bắt đầu từ việc đầu tư nghiêm túc cho bao bì.
Không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bảo vệ sản phẩm, bao bì ngày nay còn đóng vai trò là kênh truyền thông trực tiếp đến người tiêu dùng. Một mẫu bao bì có thiết kế bắt mắt, thông tin đầy đủ và thân thiện với môi trường có thể làm tăng đáng kể giá trị cảm nhận của sản phẩm, đồng thời tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp và uy tín cho thương hiệu. Với sản phẩm OCOP, việc nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của bao bì là điều cấp thiết. Theo các chuyên gia, cần kiến tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm cả ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất bao bì dành riêng cho phân khúc này – từ đó hỗ trợ các làng nghề và doanh nghiệp OCOP phát triển bền vững.
Đòn bẩy đưa OCOP vào siêu thị
![]() |
Cần chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP có chỗ đứng ở các siêu thị. |
Bên cạnh việc cải tiến bao bì, các chuyên gia bán lẻ cho rằng ngành công thương cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối. Điều này bao gồm cả việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cũng như rà soát thường xuyên danh mục sản phẩm cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ.
TP. Hà Nội thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sản phẩm OCOP vào siêu thị: từ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, cho đến hỗ trợ doanh nghiệp trong trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi cửa hàng, hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại. Đặc biệt, Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị và chuỗi thực phẩm ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài với các đơn vị sản xuất OCOP. Điều này không chỉ giúp ổn định đầu ra, mà còn tạo điều kiện để các cơ sở yên tâm đầu tư nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm.
Song song đó, các nhà sản xuất cũng cần chủ động nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, linh hoạt điều chỉnh mẫu mã sản phẩm, ưu tiên các loại bao bì thân thiện với môi trường để tăng tính cạnh tranh. Một điểm nhấn đáng chú ý là Kế hoạch số 389/KH-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, hướng đến việc phát triển Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trong năm 2025. Theo kế hoạch, thành phố sẽ phát triển thêm 8–10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới, đồng thời công nhận 5–8 mô hình trung tâm thiết kế và quảng bá sản phẩm OCOP. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ và kết nối sản phẩm trên nền tảng số cũng được đặt lên hàng đầu.