Chợ Đồn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn Nam Định đặt mục tiêu đột phá tăng trưởng sản phẩm OCOP Đà Nẵng trao chứng nhận cho 11 sản phẩm OCOP 4 sao |
Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
![]() |
Xây dựng nông thôn mới và OCOP là 2 chương trình trọng điểm mà ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành. |
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giữa ngành Nông nghiệp, Liên minh hợp tác xã và Hội Nông dân, kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, thực hiện chương trình ký kết liên ngành, một trong các nhiệm vụ quan trọng mà ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện là phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đó, xây dựng nông thôn mới và OCOP là 2 chương trình trọng điểm mà ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành. Trong đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu này. Các hợp tác xã trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
Đồng thời, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các hợp tác xã tham gia vào việc đào tạo, chuyển giao công nghệ mới cho các hộ nông dân, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất; hỗ trợ tích cực trong việc phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP. Qua hơn 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả nhất định.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là kinh tế tập thể đã ổn định, phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng. Nhiều mô hình liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hình thành. Song song đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn xây dựng thương hiệu thông qua chứng nhận OCOP. Các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực được hình thành đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 199 hợp tác xã nông nghiệp với trên 47.000 thành viên, tăng 150 hợp tác xã so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các sản phẩm của hợp tác xã được chứng nhận OCOP gồm các sản phẩm tươi và chế biến gắn với nông sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang như: Xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước, sầu riêng Cai Lậy, mứt sơ ri Gò Công, thanh long Chợ Gạo…
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã nổi bật, điển hình với cách làm mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ lúa có mô hình liên kết giữa hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè theo Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Quy mô liên kết 200 - 300 ha/năm với giống lúa ST24, Nàng Hoa 9 và sản phẩm gạo đã được chứng nhận OCOP 4 sao.
Hay trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, có các mô hình hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn, Hiệp Đức tổ chức thành viên sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, xây dựng mã vùng trồng. Các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm thông qua dự án/kế hoạch liên kết ổn định lâu dài. Sản phẩm của các hợp tác xã đều được chứng nhận OCOP 3 sao.
Trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ rau màu, một số hợp tác xã điển hình như: Rau an toàn (RAT) Gò Công, RAT Tân Đông, RAT Thạnh Hưng, Phú Quới, Hòa Thạnh đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài ổn định với Saigon CO.OP, Bách Hóa Xanh, BigC… với sản lượng khoảng 5 - 7 tấn rau/ngày/hợp tác xã. Một số sản phẩm của các hợp tác xã được chứng nhận OCOP như: Cải dún, cải ngồng, cải thìa.
Đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP
![]() |
Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mẫu, điển hình trong việc áp dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó lan tỏa mô hình này ra cộng đồng. |
Thực tế cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả nội bật, song việc phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu đề ra như kỳ vọng, đòi hỏi phải có sự chung tay hỗ trợ của các ngành.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong quá trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao năng lực hoạt động cho hợp tác xã nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, đặc biệt là 2 chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ cán bộ trẻ làm việc cho hợp tác xã .
Kết quả trong giai đoạn 2019 - 2024, ngành đã thực hiện hỗ trợ 61 hạng mục công trình cho 45 hợp tác xã nông nghiệp với kinh phí đầu tư 42,75 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, ngành Nông nghiệp cũng đã thực hiện hỗ trợ 70 lao động trẻ về làm việc ở 50 hợp tác xã với kinh phí hỗ trợ khoảng 5,5 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp cũng tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm; hỗ trợ kinh phí xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP (14 cửa hàng). Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã , cơ sở sản xuất giới thiệu quảng bá, tìm kiếm cơ hội, kết nối cung cầu, tăng cường hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP. Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm là tiếp tục phối hợp đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên cơ sở triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã theo các quy định hiện hành.
Cụ thể là tăng cường công tác tư vấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý và sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mẫu, điển hình trong việc áp dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó lan tỏa mô hình này ra cộng đồng.
Đồng thời, khuyến khích liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã với hợp tác xã, với doanh nghiệp, cơ sở chế biến thông qua chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ theo Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Về phía các hợp tác xã cũng cần chủ động trong việc tổ chức sản xuất, đổi mới phương thức hoạt động và sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Các hợp tác xã không trông chờ, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, mà cần chủ động tìm kiếm cơ hội, thị trường.
Tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ xây dựng và công nhận 350 sản phẩm OCOP gồm: 1 sản phẩm 5 sao (trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát), 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 82 sản phẩm 4 sao và 250 sản phẩm 3 sao với tổng số 165 chủ thể tham gia (31 hợp tác xã , 54 doanh nghiệp và 80 hộ sản xuất, kinh doanh). Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cũng còn có những tồn tại, hạn chế. Trước hết là một số địa phương nóng vội, gò ép thành lập hợp tác xã để đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất hoặc mở rộng quy mô thành viên áp đặt, không tự nguyện dẫn đến trường hợp một số hợp tác xã sau thành lập hoạt động không hiệu quả, thành viên không tham gia góp vốn, không sử dụng sản phẩm dịch vụ. Sau khi được đánh giá thẩm định xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, một số nơi không quan tâm hỗ trợ để duy trì, nâng chất tiêu chí. Về nội tại hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, năng lực quản lý điều hành yếu dẫn đến việc vận hành không hiệu quả. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển. Do thiếu vốn, kiến thức nên các hợp tác xã chưa mạnh dạn trong việc áp dụng khoa học công nghệ, vẫn sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, khó cạnh tranh với các sản phẩm của các mô hình khác. Việc phát triển kênh phân phối, marketing và quảng bá sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP còn hạn chế. |