Gỡ vướng cho sản phẩm OCOP để phát triển đặc sản bản địa Vĩnh Phúc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương Đưa OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Hà Nội |
![]() |
Tỉnh Nam Định sẽ tập trung rà soát, hỗ trợ nâng hạng các sản phẩm tiềm năng đã được công nhận trước đây; tổ chức đánh giá lại các sản phẩm hết thời hạn công nhận theo chu kỳ 36 tháng. |
Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2025. Theo Kế hoạch, năm 2025, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu có ít nhất 40 sản phẩm OCOP mới được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên và 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Cùng với đó, tỉnh Nam Định sẽ tập trung rà soát, hỗ trợ nâng hạng các sản phẩm tiềm năng đã được công nhận trước đây; tổ chức đánh giá lại các sản phẩm hết thời hạn công nhận theo chu kỳ 36 tháng.
Với phương châm “chất lượng, hiệu quả, bền vững và hội nhập”, kế hoạch năm nay đặt ra nhiều mục tiêu đột phá, từ ứng dụng chuyển đổi số đến gắn kết OCOP với du lịch nông thôn và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực. Một trong những điểm nhấn nổi bật của kế hoạch là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của chu trình OCOP, từ sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cho đến xúc tiến thương mại và bán hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu hiện đại, đăng ký mã số mã vạch, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng online, mạng xã hội, livestream. Tỉnh Nam Định tăng cường sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu số OCOP phục vụ quản lý điều hành hiệu quả.
Để đảm bảo chất lượng, tỉnh Nam Định yêu cầu các cơ sở sản xuất OCOP áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO… Các sản phẩm được khuyến khích phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương, bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Nam Định kỳ vọng Chương trình OCOP năm 2025 không chỉ là sân chơi nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông thôn, mà còn là động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng hiện đại. |
Một điểm mới quan trọng là việc lồng ghép phát triển OCOP với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống; khuyến khích xây dựng mô hình điểm du lịch gắn với các cơ sở sản xuất OCOP, từng bước hình thành các tour, tuyến trải nghiệm kết nối sản phẩm với văn hóa – lịch sử địa phương để mở rộng không gian tiêu thụ, đồng thời lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP tới du khách trong và ngoài tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các Sở: Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Y tế… triển khai đồng bộ từ công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ lập hồ sơ đến quảng bá, xúc tiến thương mại. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát, định hướng sản phẩm phù hợp với thị trường, không chạy theo số lượng, tổ chức đánh giá phân hạng đúng tiến độ.
Kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2025 từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó nhấn mạnh vai trò nguồn lực xã hội hóa và huy động các nguồn lực tư nhân.
Với cách tiếp cận mới, Nam Định kỳ vọng Chương trình OCOP năm 2025 không chỉ là sân chơi nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông thôn, mà còn là động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước chinh phục thị trường quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của địa phương trong giai đoạn tới.