Nam Định đặt mục tiêu đột phá tăng trưởng sản phẩm OCOP Đà Nẵng trao chứng nhận cho 11 sản phẩm OCOP 4 sao Hà Nội vượt "rào cản" phát triển sản phẩm OCOP 5 sao |
Khánh Hòa có 309 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
![]() |
Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 309 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên còn thời hạn công nhận. |
Những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng giúp nâng cấp các sản phẩm của khu vực nông thôn. Mỗi sản phẩm đều mang trong mình câu chuyện của người làm ra sản phẩm muốn gửi gắm. Qua đó, người dùng sản phẩm còn có thể biết thêm một khía cạnh nào đó về văn hóa, phong cách, nét đặc sắc của con người, vùng đất nơi làm ra sản phẩm.
Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 309 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên còn thời hạn công nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao quốc gia, 2 sản phẩm đủ số điểm đề nghị trung ương công nhận OCOP 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao, 263 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa có 252 sản phẩm của 109 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Mục tiêu có thêm 180 sản phẩm đạt sao OCOP.
Trên hành trình phát triển của các sản vật OCOP Khánh Hòa, điều dễ nhận thấy là các chủ thể nâng cấp sản phẩm của mình đồng thời cũng gắn với việc thực hiện các yêu cầu về phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu mà Khánh Hòa đang theo đuổi.
Gần như tất cả các nông sản trái cây như: Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, ổi, mãng cầu, tỏi… đạt sao OCOP đều được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP. Đối với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất đều phải được minh chứng một cách rõ ràng, có thể truy vấn.
Ngoài ra, ở tại địa phương có thế mạnh về du lịch nên nhiều chủ thể đã mạnh dạn đăng ký mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… tham gia chương trình OCOP. Có thể kể đến như: Làng nghề xoi trầm hương ở Vạn Ninh; trải nghiệm xứ xoài Cam Lâm; trang trại nông nghiệp hữu cơ, sinh thái ở Ninh Hòa; du lịch sinh thái ở Cam Ranh…
Nâng cấp sản phẩm OCOP cả về chất lượng, mẫu mã
![]() |
Chương trình OCOP áp dụng hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu toàn diện nhằm đánh giá sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã và câu chuyện của sản phẩm.. |
Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa dành hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ cho các chủ thể phát triển sản phẩm. Năm 2025, trong số gần 20 tỷ đồng triển khai chương trình, phần lớn được dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể nâng cấp sản phẩm. Ngoài ra, mỗi sản phẩm đạt sao OCOP đều được UBND tỉnh Khánh Hòa khen thưởng. Sản phẩm đạt 3 sao OCOP được ngân sách tỉnh thưởng 8 triệu đồng, 4 sao được thưởng 10 triệu đồng và 5 sao thưởng 15 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chủ đề OCOP năm 2025 của tỉnh Khánh Hòa là “Giám sát, đánh giá; tôn vinh sản phẩm và thương mại quốc tế”. Mục tiêu nhằm đảm bảo sản phẩm OCOP tuân thủ đúng các tiêu chí mà OCOP đặt ra cũng như tuân thủ các quy định hiện hành. Việc tôn vinh, khen thưởng là động lực, khích lệ chủ thể không ngừng hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm OCOP cả về chất lượng, mẫu mã và phương thức phân phối, kinh doanh.
Ngoài ra, chương trình OCOP tỉnh Khách Hòa còn áp dụng hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu toàn diện nhằm đánh giá sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã và câu chuyện của sản phẩm. Đây đều là những sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, có minh chứng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn mác tiêu chuẩn, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và cùng với đó là sản phẩm có tính đặc trưng, đặc hữu, có tính vùng, miền rõ nét. Các sản phẩm OCOP nổi bật của Khánh Hòa có thể kể đến như: Trầm hương, yến sào, rong nho, đông trùng hạ thảo, xáo tam phân, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, hải sản các loại…
Đồng hành với các chủ thể trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, hằng năm ngân sách tỉnh Khánh Hòa đều dành kinh phí để hỗ trợ các chủ thể. Cụ thể là mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm… Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.