Khánh Hòa: Nâng cấp sản phẩm OCOP cả về chất lượng, mẫu mã Tập trung phát triển sản phẩm OCOP ở Lâm Thao Tìm lời giải cho bài toán đầu ra của sản phẩm OCOP Long An |
Dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
![]() |
Từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước). |
Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần hình thành phương thức sản xuất nông sản, thực phẩm theo hướng nâng cao chất lượng. Phát triển sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, thực chất cũng là định hướng mà thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo. Những năm qua, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng triển khai chương trình OCOP. Nhiều cơ chế, chính sách đã được thành phố Hà Nội áp dụng để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm.
Tính riêng trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng được 606 sản phẩm, đạt 166% so với kế hoạch năm 2024, vượt chỉ tiêu kế hoạch 206 sản phẩm. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp, Hà Nội đạt vượt chỉ tiêu của năm.
Trong số các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng năm 2024, có 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao và tiềm năng 5 sao. Không chỉ vượt trội về số lượng, các sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận OCOP 4 sao và tiềm năng 5 sao năm 2024 được đánh giá là đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Chất lượng sản phẩm cũng ngày một được nâng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Đến ngày 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã tổ chức trao giấy chứng nhận OCOP cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 4 sao và tiềm năng 5 sao. Bên lề sự kiện là không gian trưng bày hàng trăm sản phẩm OCOP tiêu biểu. Theo ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, với việc có thêm 606 sản phẩm OCOP từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước).
Theo phân hạng, có 6 sản phẩm OCOP được cấp 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Với kết quả trên, thành phố Hà Nội đã được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Qua đó, khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của thành phố đối với chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
![]() |
Giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP chưa cao so với kỳ vọng. |
Dù là địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn cần tiếp tục cải thiện. Điều này được thể hiện khi trong tổng số 606 sản phẩm được đánh giá, phân hạng năm 2024, chỉ có 108 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao và có tiềm năng 5 sao.
“Kết quả đánh giá, phân hạng năm 2024 cho thấy bộ tiêu chí OCOP ngày càng được siết chặt nhằm nâng cao vị thế, chất lượng của sản phẩm OCOP…”, ông Ngọ Văn Ngôn bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm OCOP tham gia dự thi năm 2024 mặc dù được đánh giá là có chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ; bao bì, mẫu mã vẫn còn đơn giản, chưa “bắt mắt” khách hàng tiềm năng.
Đặc biệt, câu chuyện sản phẩm chưa được chủ thể chú trọng, còn sơ sài về nội dung, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất và mong mỏi của công chúng tiêu dùng. Chính vì vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP chưa cao so với kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ: “Thị trường trong nước có dư địa rất lớn cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội; song thị hiếu tiêu dùng cũng ngày một khắt khe hơn và người dân có rất nhiều lựa chọn. Do đó, để có thể khai thác được thị trường trong nước trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu, các chủ thể OCOP của thành phố cần tập trung chuẩn hóa sản phẩm thông qua cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng…”.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm 2025, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành tiếp tục phối hợp triển khai Chương trình OCOP đảm bảo đi vào chiều sâu, thực chất; phấn đấu có thêm ít nhất 30 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP của các làng nghề, từng bước hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện, phối hợp với các tỉnh thành trong nước cũng như các sự kiện quốc tế để quảng bá sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội.