Hoa đào được coi là tinh hoa của ngũ hành và là biểu tượng của sự sinh sôi, nhân duyên... Theo phong thủy người ta cho rằng hoa đào có thể trị quỷ, xua đuổi tà ma và đem lại may mắn. Vì vậy mà trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc thường trang hoàng ngôi nhà của mình bằng một cây đào hoặc cành đào to trong nhà với mong muốn cầu tài lộc, thinh vượng cả năm.
Cũng như quất, đào đem lại nhiều điều may mắn, tốt lành nên nhiều công ty, xí nghiệp cũng chọn cho cơ quan của mình một cây to, đẹp bày trước cửa để cầu mong tài lộc đến với cơ quan. Thậm chí có những gia đình, cơ quan, xí nghiệp chọn cả quất lẫn đào để trang trí trong ngày Tết.
Theo Đông y, cành, lá, rễ và nhựa đào đều là những dược liệu quý tốt cho sức khỏe.
Cành đào (đào chi): là vị thuốc được Hải Thượng Lãn Ông ghi trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển hạ “Cành đào có vị đắng, tính bình, dùng trị trẻ em ra mồ hôi trộm, lao phổi ho ra máu, đau vùng tim, các vết mẩn sưng do côn trùng đốt. Liều dùng uống trong 40 - 80g dạng thuốc sắc; dùng ngoài nấu nước rửa”.
Vỏ thân, vỏ trắng của đào (đào thụ bì): vỏ thân đào có vị đắng, tình bình, không độc; dùng trị thủy thũng, sán khí phúc thống, phế nhiệt suyễn muộn, tràng nhạc, mụn nhọt sưng lở, bỏng rát. Uống trong, dùng 12 - 20g, dạng thuốc sắc; dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước rửa, nước súc miệng. Chữa phù thũng: vỏ đào ngâm rượu uống.
Lá đào (đào diệp): lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng khử phong thấp, thanh nhiệt, sát khuẩn. Được dùng trị cảm mạo phát sốt, đau đầu, phong tê, sốt rét, đại tiện không thông, loét dạ dày, mẩn ngứa, lở chân. Dùng trong, sắc nước uống; dùng ngoài nấu nước rửa hoặc giã đắp.
Lá đào là vị thuốc thường dùng trong dân gian; dùng vỏ tươi xát tắm trị ghẻ lở, mẩn ngứa, chốc đầu, dùng ngâm chữa viêm kẽ chân. Cũng dùng phối hợp với lá dâu tằm giã đắp tại chỗ chữa vết thương, vết đứt.
Lưu ý, trong lá đào có acid cyanhydric có thể gây ngộ độc.
Rễ đào (đào căn): rễ đào có vị đắng, tính bình, không độc. Dùng trị hoàng đản, thổ huyết, nục huyết, kinh bế, ung thũng và trĩ. Uống trong, dùng 80 - 120g, sắc nước; dùng ngoài nấu nước rửa.
Các bài thuốc có dược liệu từ cây đào
Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng dùng đào nhân, hồng hoa, mần tưới, ngưu tất, tô mộc, nghệ vàng, mỗi loại lượng 8 g sắc uống.
Chữa bí đại tiện dùng đào nhân 40 g luộc ăn lúc đói, hoặc dùng lá đào một nắm to giã vắt lấy nước cốt uống.
Chữa ho hen, thở gấp, ngắn hơi, dùng đào nhân lượng 100 g cùng gan lợn nấu cháo ăn hoặc sấy khô, tán bột, hoan viên uống dần.
Đào nhân 7 hạt nghiền nhỏ, hòa nước uống chữa chứng bỗng dưng đau tim. Hoặc có thể dùng bằng cách lấy một nắm cành đào sắc, chế thêm rượu vào uống.
Chữa tinh hoàn sưng to, dùng một nắm lá đào sắc uống cùng một nắm lá sâm. Lá đào tươi còn có thể giã, đắp, xoa, xát chữa chốc lở, rôm sảy, âm hộ sưng.
Chữa tiểu ra dưỡng chấp: Nhựa cây đào tán nhỏ (lượng 12 g) uống với nước sắc dây tơ hồng (30 g). Bình thường, dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết mà thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.
Nhựa cây đào lượng 20 g tán nhỏ uống với nước sắc địa cốt bì 30 g và râu ngô 30 g chưa tiểu đường.
Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thông tin trên để chữa bệnh. Nếu trong quá trình sử dụng có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.