Những công dụng tuyệt vời của nấm lim xanh đối với sức khỏe Cà tím - Thực phẩm vàng cho tim mạch và trí não Hải tảo - Cây thuốc mọc hoang dưới biển |
Giáo sư Đỗ Tất Lợi đã mang đến cho chúng ta một cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” vô cùng quý giá. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của các loại cây thuốc, trong đó có nhiều loại rau chúng ta vẫn dùng hàng ngày.
Rau ngót
Rau ngót, bồ ngót, bù ngót hay hắc diện thần - dù gọi tên nào thì loại rau thuộc họ thầu dầu này vẫn là một trong những loại rau quen thuộc trong mâm cơm của người Việt. Cây thường được trồng để lấy lá non nấu canh, và nếu dùng làm thuốc, người ta thường chọn những cây đã trồng từ 2 năm trở lên.
Trong 100g rau ngót có 169mg canxi, 2,7mg sắt, 123mg magie, 2,4g mangan, 65mg phốt pho, 25mg natri 25mg… và một số axit amin thiết yếu cho cơ thể.
Theo y học cổ truyền, rau ngót tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ, chữa sót nhau, tưa lưỡi.
Rau sam
Rau sam là một loại cây thân cỏ, thuộc họ Rau sam, có tên khoa học là Portulaca oleracae L.Trong dân gian, có một số cách gọi khác cho loại cây này như mã xỉ hiện, mã xỉ thái, trường thọ thái...
Rau sam có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng hiện nay, nó sống được ở rất nhiều nơi, thích nghi tốt với nhiều môi trường khác nhau. Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, thường mọc dại ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ...
Các bộ phận của cây như thân, lá, nụ hoa đều có thể sử dụng được trừ phần rễ. Có thể kể đến một số món ăn thơm ngon từ rau sam như: rau sam xào tỏi tôm, canh rau sam thịt bằm, nộm rau sam... Đây không chỉ là một loại thực phẩm dùng để chế biến được nhiều loại thức ăn ngon mà đây còn là một vị thuốc có nhiều công dụng. Có thể dùng rau sam ở dạng tươi hoặc phơi khô, dùng dần.
Cây có vị chua, tính hàn, không có độc, vào ba kinh: tâm, can, tỳ; cảnh báo người có tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không nên dùng.
Trong rau sam có nhiều vitamin A, B, C và đa dạng các vi chất tốt cho sức khỏe. Loại rau này có tác dụng làm co nhỏ mạch máu, ức chế sự phát triển của vi trùng lỵ, vi trùng thương hàn, trực khuẩn E.coli. Người dân Việt còn giã nát rau sam đắp mụn nhọt, làm thuốc lợi tiểu, tẩy giun kim.
Rau muống
Rau muống còn gọi là bìm bìm nước thuộc họ bim bìm. Cây mọc bò, ở nước hay trên cạn, thân rỗng, được trồng phổ biến ở khắp nước ta dùng làm rau ăn hằng ngày.
Rau muống có thành phần hóa học gồm: 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza.
Ngoài ra rau muống còn có hàm lượng muối khoáng rất cao, trong đó tới 100mg% canxi, 37mg% P, 1,4mg% Fe. Các vitamin gồm Carotene, C, B1, PP, B2, nhiều chất nhầy.
Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể (nấm độc, sắn độc…).
Do có nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giúp hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa. Chúng giúp nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên, thực phẩm này không tốt cho tiêu hóa trong trường hợp sử dụng rau không hợp vệ sinh.
Rau diếp cá
Rau diếp cá còn gọi là lá giấp, ngư tinh thảo, thuộc họ lá giấp. Loại cây này ưa chỗ ẩm ướt, lá hình tim, nhân dân thường hái về ăn với cá. Cây có thể dùng tươi, phơi khô. Diếp cá có tác dụng lợi tiểu do chứa chất quexitrin và các chất vô cơ.
Theo Đông y, cây có vị cay, hơi lạnh, hơi có độc; có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thủng, dùng chữa phế ung, trĩ, lở loét. Người dân sử dụng cây diếp cá trong những trường hợp tụ máu (giã nhỏ lá, ép vào giấy bản rồi đắp) hoặc mắc bệnh trĩ (sắc nước uống, sắc nước lấy hơi xông rồi rửa). Ngoài ra, diếp cá còn có tác dụng thông tiểu, chữa mụn nhọt, kinh nguyện không đều.
Rau đay
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các loại rau như rau đay, rau dền, rau ngót là những loại có giá trị dinh dưỡng cao, đồng đều về hàm lượng caroten, vitamin C (179 - 64 - 52mg%), hàm lượng sắt (2,8 - 2,5 - 2,1mg%), giàu các muối khoáng, vi khoáng, lượng protein cao gấp 3 - 5 lần các loại rau khác (3 - 6 g%).
Ngoài những lợi ích phổ biến của rau đay mà nhiều người biết như hỗ trợ trị táo bón, giúp nhuận tràng, lợi tiểu, lợi sữa, thanh nhiệt giải độc thì rau đay còn có những "bí mật". Theo BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y, rau đay đứng trong top đầu các loại rau chứa nhiều canxi (đứng hàng thứ 4 trong các loại rau dùng để ăn), sắt (đứng hàng thứ 1), beta caroten (đứng hàng thứ 4), vitamin C (đứng hàng thứ 3).
Rau đay ít calo và chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, bao gồm vitamin A và C, riboflavin, folate và sắt. Rau đay khi nấu chín cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất cao hơn.
Ngoài công dụng ẩm thực, lá đay còn được sử dụng cho mục đích y học trong chữa bệnh Ayurveda trong nhiều thế kỷ.
Mồng tơi
Mồng tơi còn gọi là lạc quỳ, thuộc họ mồng tơi. Đây là cây dây leo, mọc cuốn có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, cây này mọc hoang hoặc được trồng ở hàng rào để lấy rau ăn. Người dân hái thân và lá mồng tơi vào mùa hạ và thu.
Trong mồng tơi có vitamin A, B3, chất nhầy, sắt. Sách cổ ghi nhận rau có tính hàn, lợi tiểu, chữa táo bón cho trẻ nhỏ, phụ nữ đẻ khó. Tại Trung Quốc có nơi dùng rau mồng tơi để giải độc.
Người Việt Nam thường dùng rau mồng tơi nấu canh ăn cho mát, ít dùng làm thuốc.
Ở Inđônexia, người dân dùng rau cho trẻ bị táo bón, phụ nữ đẻ khó. Nhiều người còn dùng nhuộm đỏ các loại mứt, nếu thêm chanh thì màu đậm hơn, nhưng không nên cho quá nhiều.
Ở Ấn Độ, Bangladesh dùng rau mồng tơi điều trị các bệnh thiếu máu do chứa nhiều sắt, chống viêm, lợi tiểu, đường ruột. Trái mồng tơi có màu tím đen nên nước từ quả có thể dùng để nhuộm đỏ hoặc làm màu thực phẩm, hoặc để làm hồng má/môi.
Rau dền
Rau dền có nhiều loại với màu sắc khác nhau như dền cơm, dền gai, dền đỏ, thuộc họ na. Cây mọc phổ biến ở nhiều tỉnh có thể dùng lá nấu canh, lá và vỏ làm thuốc.
Toàn bộ bộ phận của rau dền được sử dụng để làm thuốc. Rau dền được sử dụng để chữa loét, tiêu chảy, sưng miệng hoặc cổ họng và cholesterol cao, nhưng không có bằng chứng khoa học tốt để hỗ trợ những công dụng này.
Rau dền có chứa các chất có lợi như chất chống oxy hóa. Người ta quan tâm đến việc sử dụng rau dền chữa bệnh mỡ máu cao vì một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng khi chúng ăn rau dền thì có thể làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL , đồng thời tăng cholesterol HDL. Nhưng ăn rau dền dường như không có những lợi ích này ở người.
Người dân dùng vỏ cây sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lá cây sắc uống chữa đau nhức tê thấp, vỏ cây tán bột hoặc ngâm rượu chữa sốt rét, làm thuốc bổ.
Rau cải cúc
Rau cải cúc còn gọi là rau cúc, tần ô, đồng hao, thuộc họ cúc. Cây được trồng khắp nơi chủ yếu làm rau ăn, số ít làm thuốc (dùng tươi hoặc phơi khô trong mát). Người ta cho rằng cây có nguồn gốc châu Âu và phía bắc châu Á.
Cải cúc tươi có thể được sử dụng cho bánh mì sandwich và salad hoặc cải cúc tươi nấu canh hay dùng trong các món lẩu. Đối với nấu ăn, cải cúc có rất nhiều công dụng, đó là lý do tại sao loại rau này rất phổ biến ở châu Á. Chúng có thể được ngâm, chiên trong bột tempura, xào, hấp hoặc nấu trong súp và món hầm được thêm vào gần cuối quá trình nấu ăn để tránh quá chín.
Trong cải cúc có tinh dầu thơm, nhiều vitamin B, lượng trung bình vitamin C, có thể dùng trong bài thuốc trị ho lâu ngày, đau mắt, nhức đầu kinh niên, thổ huyết.
Trong Đông y, rau cải cúc có vị cay, ngọt. Thành phần tinh dầu kết hợp với chất xơ hỗ trợ đào thải các loại khí dư thừa trong dạ dày, hỗ trợ kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác thèm ăn, đồng thời giúp nhuận tràng. Vị thanh, mát ngon và lành tính của rau có tác dụng tốt đến hệ thần kinh, trí não, rất thích hợp với người mắc bệnh mạch vành, huyết áp cao, phụ nữ sau sinh. Những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa như lạnh bụng, tiêu chảy thì không nên ăn.
Rau má
Rau má còn gọi là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, thuộc họ hoa tán. Cây mọc hoang ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Khi tươi, cây có vị đắng, hơi khó chịu, thu hái quanh năm.
Theo Đông y, rau má có tính bình, không độc, giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, lợi sữa, có thể dùng phối hợp với nhọ nồi để cầm máu. Các bài thuốc thường sử dụng lá tươi vò nát lấy nước uống.
Khổ qua rừng - Dược liệu đắng miệng, mát lòng, khỏe người |
Tự chữa cảm lạnh tại nhà với các loại gia vị dễ tìm |
Bán chi liên - Dược liệu quý trong điều trị ung thư |