Loại quả dân dã lại là “kho” chứa vitamin C “3 ngọt” hại gan nên ăn ít, “3 chua” bổ gan có thể ăn thường xuyên Thời điểm vàng uống chanh mật ong mang lại lợi ích tuyệt vời cho cơ thể |
Đặc điểm của cây Cây Chanh
Đặc điểm của cây Chanh |
Cây Chanh thuộc giống cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 4 đến 5m. Trên thân cây có rất nhiều gai sắc, nhọn. Cây càng to, khỏe thì gai sẽ càng dài và ngược lại cây nhỏ thì gai sẽ bé. Lá cây Chanh có hình dạng như trái trứng, mọc so le với nhau. Khi mới mọc, lá Chanh mỏng, màu xanh nhạt còn khi già lá cây có màu xanh đậm và dày hơn.
Hoa Chanh mọc ở vị trí ngọn hoặc kẽ lá, mùa hè khi nở hoa có màu trắng còn vào mùa đông hoa có màu tím nhạt. Hoa Chanh có mùi thơm nhẹ, thoang thoảng, mang lại cảm giác dễ chịu khi tỏa hương.
Quả Chanh có hình cầu, lúc còn non quả màu xanh đậm. Khi chín, quả chuyển sang màu xanh nhạt hoặc ngả vàng. Hạt Chanh có vị đắng nhẹ. Mỗi một quả Chanh sẽ có từ 5 đến 8 hạt, hạt Chanh hình elip, nhọn 2 đầu. Quả Chanh càng to thì hạt sẽ càng to và ngược lại.
Thành phần hóa học
Lớp vỏ xanh ngoài của quả chanh chứa tinh dầu, thường 3.000 quả đến 6.000 quả cho 1 lít tinh dầu chanh (theo kiểu vắt tươi) mỗi quả cho khoảng 0,5 ml tinh dầu. Vỏ trắng chứa pectin.
Tinh dầu chanh là một chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm chanh, tỷ trọng ở 15°C từ 0,857 đến 0,862. Dưới tác dụng của khí trời và ánh sáng, tinh dầu chanh sẽ để lắng một chất đặc, nhầy, tỷ trọng tăng lên, 90 - 95%. Tinh dầu chanh là những hợp chất terpen gồm: D - Limonen, một ít α - Pinen, β - Phelandren, camphen và γ - Terpinen.
Mùi thơm của tinh dầu chanh là do các hợp chất oxy và chiếm từ 3 - 5% gồm xitrala và một ít xitronelala. Ngoài ra người ta còn thấy trong tinh dầu chanh acetat geranyl và acetat linalyla.
Trong dịch quả chanh có 80 - 82% nước, 5 - 7% axit citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ axit cao hơn mùa hạ), chừng 1 - 2% citrat axit canxi và kali, một ít citrat ethyl và chừng 0,4 - 0,5% axit malic. Ngoài ra còn 0,4 - 0,75% đường interverti, 0,5% sacaroza, 0,75 - 1% protit. Độ tro 0,5%, Vitamin C 65 mg trong 100 g dịch tươi, vitamin B1 và riboflavin.
Lá chanh chứa tinh dầu (với hàm lượng từ 0,33 - 0,5%), stachydrin, một dẫn xuất của prolin.
Tác dụng của cây Chanh
Cây Chanh được dùng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, dưới đây là một số ứng dụng mà cây Chanh mang lại.
Giá trị dinh dưỡng của quả Chanh
Mặc dù chanh là một loại quả có kích thước nhỏ, nhưng chúng lại rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C. Một quả chanh cỡ trung bình khoảng 67 gram có chứa:calo,tinh bột,chất đạm, chất béo, chất xơ, sắt, canxi,vitamin B6, kali.
Quả chanh cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể |
Cây Chanh ứng dụng trong y học truyền thống
Theo y học cổ truyền thì các bộ phận của cây chanh như quả,lá, thân, rễ, hạt chanh đều có tác dụng chữa bệnh.
Chữa sốt rét dai dẳng: Khi bị sốt rét chúng ta có thể dùng lá Chanh kết hợp với rượu để trị bệnh . Dùng 100g lá chanh, rượu 30 độ 100ml. Lá Chanh được thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm rồi đem phơi sương một đêm, uống một lần vào lúc sáng sớm, uống 3-5 ngày liền.
Lá chanh kết hợp với rượu trị sốt rét |
Chữa cảm cúm: Dùng lá chanh kết hợp với tỏi, lá mít, nghệ, nước có thể trị cảm cúm: Dùng Lá Chanh 16g, Tỏi 4-6g, lá Mít 16g, Nghệ 16g, nước 450ml, sắc còn 150ml, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.
Chữa hen phế quản: Khi lấy lá chanh kết hợp với dây Tơ hồng trị bệnh hen phế quản. Dùng lá Chanh một nắm, dây Tơ hồng một nắm; tất cả sao vàng, khử thổ, đổ ba bát nước, nấu còn một bát, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một bát; uống 7-10 ngày liền.
Chữa ho gà: Dùng lá Chanh tươi sắc với vài lát Gừng thêm đường đủ ngọt, uống dần.
Rắn cắn: Khi bị rắn cắn dùng rễ và hạt Chanh kết hợp với phèn chua, gừng theo liều lượng phù hợp là sẽ trị khỏi . Dùng rễ Chanh 8g, hạt Chanh 4g, Phèn chua 2g, Gừng 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi, lọc kỹ, chia 2 lần uống trong ngày.
Ứng dụng trong y học hiện đại
Theo y học hiện đại, đối với quả chanh có rất nhiều công dụng, các thành phần của quả chanh giúp cơ thể:
Chống oxy hóa: Chanh có nhiều hợp chất hoạt động có chức năng như chất chống oxy hóa trong cơ thể, bao gồm flavonoid, limonoid, kaempferol, quercetin và axit ascorbic.
Các thành phần trong quả Chanh chống oxy hoá |
Tăng cường hệ miễn dịch: Quả chanh có nhiều vitamin C, một chất dinh dưỡng có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Trong các nghiên cứu ống nghiệm, vitamin C đã cho thấy khả năng tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Hơn nữa, trong một số các nghiên cứu ở người, việc uống vitamin C giúp rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh cám cúm thông thường.
Ngoài ra, vitamin C có thể giúp vết thương phục hồi nhanh hơn bằng cách giảm viêm và kích thích sản xuất collagen- một loại protein thiết yếu hỗ trợ sửa chữa vết thương. Bên cạnh vitamin C, quả chanh cũng là một nguồn chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bảo vệ các tế bào, chống lại tổn thương do gốc tự do.
Cải thiện sức khoẻ làn da: Loại quả này có hàm lượng vitamin C cao, loại vitamin cần thiết để tái tạo collagen trong cơ thể. Collagen là một loại protein giữ cho làn da săn chắc và khỏe mạnh. Một quả chanh cỡ trung bình nặng khoảng 67 grams cung cấp hơn 20% RDI cho chất dinh dưỡng này.
Giảm tỷ lệ mắc bệnh tim: Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Nghiên cứu cho thấy chanh có thể làm giảm một số yếu tố nguy cơ bệnh tim. Quả chanh có nhiều vitamin C, có thể giúp hạ huyết áp, một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim.
Ngăn ngừa sỏi thận: Sỏi thận là những tinh thể khoáng nhỏ tích tụ thường gây đau đớn tồn tại trong cơ thể. Chúng có thể hình thành bên trong thận khi chất lượng nước tiểu quá đặc hoặc khi cơ thể có hàm lượng khoáng chất tạo đá cao, chẳng hạn như canxi.
Những loại trái cây có múi như Chanh có nhiều axit citric, có thể ngăn ngừa sỏi thận bằng cách tăng mức độ citrate và loại bỏ các khoáng chất tạo đá trong nước tiểu. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây thuộc họ cam chanh có nguy cơ bị sỏi thận thấp hơn đáng kể.
Tăng cường hấp thụ sắt: Sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu để tạo ra các tế bào hồng cầu và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể bạn. Những người ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ thiếu sắt cao hơn, vì các sản phẩm từ thực vật có chứa một dạng sắt được hấp thụ kém hơn so với nguồn sắt từ các sản phẩm động vật.
Thực phẩm giàu vitamin C như chanh, có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu do suy giảm sắt bằng cách cải thiện sự hấp thu sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Một nghiên cứu ở những người theo chế độ ăn chay cho thấy uống một ly nước chanh khoảng 250ml cùng với bữa ăn giúp tăng khả năng hấp thụ sắt thực vật.
Giảm tỷ lệ ung thư: Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra bởi sự phát triển bất thường của một số tế bào. Các loại trái cây có múi như cam chanh có các hợp chất được cho là có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ví dụ như flavonoid - hoạt động như một chất chống oxy hóa - có thể giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các đột biến gen gây ung thư.
Tác dụng phụ tiềm ẩn của quả Chanh
Quả chanh có nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ, vừa cung cấp chất vừa có thể phòng và trị một số loại bệnh. Tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách có thể bị gây một số tác dụng phụ như :
Bị dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với những loại trái cây họ cam quýt, thì nên cẩn thận khi sử dụng chanh. Bạn có thể bị buồn nôn, đau bụng, thở khò khè, nôn mửa.
Gây viêm da: Khi bôi chanh trực tiếp nên da, có thể gây kích ứng da, dẫn đến ngứa da, mẩn đỏ và sưng tấy.
Viêm da nhiễm sắc tố: Trong một số trường hợp, bôi trực tiếp nước chanh lên da còn có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia UV. Từ đó dẫn đến viêm da nhiễm sắc tố.
Khiến men răng bị mài mòn: Tiêu thụ chanh quá mức có thể làm mòn men răng và làm tăng độ nhạy cảm do lượng axit citric cao.
Uống nước Chanh quá nhiều có thể gây tác dụng phụ |
Gây trào ngược axit: Nếu bạn có vấn đề về dạ dày hãy cẩn thận khi ăn chanh hoặc uống nước ép do tính axit của nó. Các triệu chứng tiêu hoá khác có thể bao gồm ợ chua, buồn nôn, nôn mửa.
Lưu ý khi sử dụng quả Chanh
Các thành phần có trong quả Chanh có nhiều công dụng khác nhau từ cung cấp các chất dinh dưỡng, đến dùng để phòng và trị một số loại bệnh. Công dụng của nó đã được cả y học cổ truyền và hiện đại chứng minh. Để sử dụng các bộ phận của quả Chanh sao cho hiệu quả nhất, chúng ta cần chú ý:
Không uống nước chanh khi đang đói: Quả chanh chứa hàm lượng lớn chất axit và với nồng độ khá cao. Do đó nếu uống nước chanh khi đang đói sẽ làm hại trực tiếp đến dạ dày và ruột của bạn.
Không nên pha chanh với nước quá lạnh hoặc quá nóng: Nước quá lạnh hoặc nước quá nóng có thể làm cho các enzym có lợi trong chanh bị bất hoạt hoặc phá vỡ; không đem lại hiệu quả khi uống.
Không nên pha chanh với nước quá lạnh |
Không uống trực tiếp nước chanh đậm đặc: Nồng độ axit trong chanh khá mạnh vì vậy việc uống trực tiếp rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa. Các chuyên gia khuyến cáo, để cho an toàn khi uống; bạn nên pha loãng nước cốt chanh với nước theo tỷ lệ 1 quả chanh cho 1 lít nước và hãy uống sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Trên đây là một số thông tin mà Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cung cấp đến bạn đọc biết về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng hiệu quả mà cây Chanh đem lại cho chúng ta. Tuy nhiên để sử dụng các thành phần từ cây Chanh sao cho hiệu quả nhất, thì chúng ta nên nhờ đến các bác sĩ chuyên khoa để có những lời khuyên hữu ích nhất.