Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ,… đã nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều sản phẩm được công nhận là thương hiệu quốc gia.
Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội là sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay.
Khách tham quan làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. |
Có thể kể đến nhu làng lụa Vạn Phúc (hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông) là một trong những làng nghề nổi tiếng về dệt lụa. Đến đây, du khách không thể bỏ qua các trải nghiệm check-in con đường ô sắc màu, tham quan chùa Vạn Phúc cổ, chụp ảnh ở bức tường bích họa, chiêm ngưỡng và mua sắm các sản phẩm tơ lụa.
Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm những xưởng dệt, nhuộm vải nằm phía sau khu chợ lụa Vạn Phúc để tìm hiểu về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất sản phẩm. Tuy hiện tại đang có nhiều loại lụa công nghiệp không đảm bảo chất lượng được nhập lậu về, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của lụa Vạn Phúc nhưng người dân nơi đây vẫn đang cố gắng, chăm chút để tạo ra những sản phẩm tốt nhất và khẳng định lại vị thế của mình.
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. |
Cùng với làng lụa Vạn Phúc ở quận Hà Đông, làng gốm truyền thống Bát Tràng huyện Gia Lâm cũng đang khéo léo tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch với những thành công bước đầu. Hiện nay, bên cạnh mối quan tâm giữ gìn nghề truyền thống tinh hoa của cha ông truyền lại, người dân Bát Tràng còn có một mối quan tâm khác là làm sao để ngôi làng của mình trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh bày tỏ: "Chúng ta phải có những nơi để cho các bạn trẻ trải nghiệm gốm và phải có những công trình văn hóa để cho du khách, bạn bè đi du lịch đến tham quan, check-in. Những địa điểm đó là làng cổ, đình làng và hiện nay có thêm Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt".
Với những sản phẩm văn hóa độc đáo, du lịch văn hóa làng nghề đã trở thành một thế mạnh của Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, không gian văn hóa làng nghề, các sản phẩm thủ công độc đáo tại các làng nghề của Thủ đô càng cuốn hút du khách quốc tế và trong nước.
Du khách khi trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề ở Hà Nội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Do đó, phát triển du lịch văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố, tính đến tháng 8/2024 ngành du lịch đã đón 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ đầu năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 3,94 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2023. Khách du lịch nước ngoài và trong nước khi trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề đã được tìm hiểu về những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. |
Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề Hà Nội: Đi đều “hai chân” |
Đà Nẵng: Bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề nước mắm Nam Ô |
Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng |