Túi vải canvas TH – Giải pháp sống xanh giảm thiểu rác thải nhựa Giải pháp rác thải nhựa? |
![]() |
Từ tháng 10/2025, Hà Nội sẽ bắt đầu lộ trình tiên phong nói không với nhựa dùng một lần tại các quán cà phê, nhà hàng và khách sạn trong khu vực Vành đai 1. |
Hà Nội khởi động lệnh cấm từ Vành đai 1
Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những điểm nhấn quan trọng của chỉ thị là yêu cầu Hà Nội triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú tại khu vực Vành đai 1, bắt đầu từ quý IV năm nay. Đây được xem là bước khởi đầu có tính định hướng để mở rộng trên quy mô toàn thành phố và toàn quốc trong những năm tiếp theo.
Theo VTV, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Chỉ riêng Hà Nội đã phát sinh khoảng 1.427 tấn mỗi ngày, trong đó hơn 60% là túi ni lông và nhựa dùng một lần. Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm rác thải nhựa và tính cấp thiết của các giải pháp quản lý và hạn chế từ sớm.
Hà Nội không đứng ngoài xu hướng toàn cầu về cắt giảm đồ nhựa. Chỉ hai ngày trước Chỉ thị của Thủ tướng, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết quy định các biện pháp mạnh mẽ để giảm phát thải nhựa trong toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn.
![]() |
Vành đai 1 của Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành |
Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2026, các khách sạn và khu du lịch trên địa bàn sẽ không còn sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm hay các bao bì chứa kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội. Một năm sau, từ 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi sẽ không được phép cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học cho khách hàng. Đến năm 2028, các cơ sở này cũng sẽ dừng hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa không thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh trực tuyến cũng phải có trách nhiệm giảm thiểu hoặc thu hồi bao bì nhựa, vật liệu chống sốc để không thất thoát ra môi trường. Với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thành phố yêu cầu không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ các trường hợp có bao bì nhãn sinh thái được công nhận. Từ ngày 1/1/2031, Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cả nước hướng đến mục tiêu không nhựa 2030
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Ngay từ năm 2019, Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) đã đi đầu với việc cấm du khách mang túi nilon khi đến đảo. Cô Tô (Quảng Ninh) cũng áp dụng biện pháp tương tự vào năm 2022. Còn tại Vịnh Hạ Long, du khách đã bị cấm sử dụng sản phẩm nhựa một lần như cốc, ống hút, túi nilon từ cách đây sáu năm. Thậm chí, vào tháng 5 vừa qua, một tàu du lịch trên vịnh đã bị đình chỉ hoạt động 7 ngày do để khách sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài cuộc đua xanh. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon và nhựa một lần tại xã đảo Thạnh An cũng như các điểm du lịch thuộc huyện Cần Giờ. Thực tế, từ ba năm trước, chợ Hàn (Đà Nẵng) đã triển khai mô hình chợ không rác nhựa. Tại đây, nhiều tiểu thương chuyển sang sử dụng túi giấy, đồng thời tích cực thu gom túi nilon sạch để tái sử dụng, tạo nên một mô hình đáng học hỏi và lan tỏa.
Ở cấp độ quốc gia, Nghị định 08/2022 đã đưa ra những định nghĩa và quy định rõ ràng về các sản phẩm nhựa bị hạn chế sử dụng. Sản phẩm nhựa dùng một lần là các loại khay, hộp đựng thực phẩm, bát, cốc, ống hút và các dụng cụ khác làm từ nhựa, được thiết kế để sử dụng duy nhất một lần. Trong khi đó, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học là các loại làm từ nhựa PE, PP, PS, PVC, PET – những vật liệu có thời gian phân hủy kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước và hệ sinh thái.
Theo lộ trình quốc gia, sau năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch sẽ không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Từ năm 2026, sẽ tiến hành giảm sản xuất và nhập khẩu túi nilon kích thước nhỏ. Và đến sau năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu dừng hoàn toàn việc lưu hành các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn quốc.
Người dân chung tay vì môi trường xanh
Chuyển đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi hành vi sử dụng nhựa là một hành trình dài, cần sự đồng hành của cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân. Chính sách chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được cộng đồng đón nhận và thực hiện một cách chủ động.
Việc Hà Nội bắt đầu từ Vành đai 1 – khu vực trung tâm đô thị có mật độ dân cư và khách du lịch cao – là một quyết định chiến lược, mang tính biểu tượng cho cam kết quyết liệt của thành phố. Tuy nhiên, thành công của chính sách sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc nâng cao nhận thức, khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững và lan tỏa các mô hình thay thế thân thiện với môi trường.
Mỗi hành động nhỏ từ cộng đồng – từ việc từ chối ống hút nhựa, mang theo bình nước cá nhân, đến việc tái sử dụng túi xách – đều là những bước đi thiết thực để hướng tới một Việt Nam xanh, sạch và lành mạnh. Lệnh cấm toàn quốc không chỉ là một đích đến, mà còn là hành trình mà mỗi chúng ta cần chung tay thực hiện, vì thế hệ hôm nay và mai sau.
![]() |
![]() |