Mùa lễ hội, cẩn thận với những nguy cơ nhiễm bệnh hiện hữu Mách cha mẹ tips chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ khi trời nồm ẩm Trẻ bị ốm nên ưu tiên ăn gì để nhanh hồi phục? |
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian này cũng là mùa lây lan các bệnh sởi, thủy đậu.
Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm do sự tấn công của virus Paramyxovirus vào cơ thể. Khi loại virus này xâm nhập vào cơ thể, người bị nhiễm sẽ xuất hiện những nốt đỏ hay còn gọi là phát ban trên cơ thể. Bệnh sởi là căn bệnh dễ lây lan và dễ dàng bùng phát thành dịch, lý do là bởi vì sởi là bệnh lây nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt là người chưa có miễn dịch sẽ dễ bị virus này tấn công. Trẻ em nếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng dễ dàng nhiễm virus gây nên bệnh sởi.
Triệu chứng của trẻ bị sởi: nốt đỏ xuất hiện thành từng mảng dày ở khu vực sau tai và những mảng này sẽ lần lượt lan xuống cổ và ngực và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Bên cạnh đó các triệu chứng khác sốt cao, ho dai dẳng, ho khan, chảy nước mũi hay mắt đỏ,…
Những triệu chứng của bệnh sởi thường dễ bị nhầm lẫn thành các triệu chứng của những bệnh khác, bởi đây cũng có thể là triệu chứng của rôm sảy, rubella, thủy đậu,... Do sự nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó bệnh nhân thường sẽ không có cách phòng ngừa lây nhiễm hợp lý và điều trị không đúng cách. Điều này có thể làm cho bệnh sởi trở nên nặng hơn và cách phòng ngừa lây nhiễm không đúng có thể khiến bệnh lan rộng và trở thành dịch bệnh.
Ngoài ra, sởi có thể gây nên những biến chứng khác ở mức độ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến những biến chứng ở mức độ nặng như viêm não, viêm phế quản - phổi. Lưu ý rằng nếu gặp phải những biến chứng nghiêm trọng sẽ gây nên mức độ nguy hiểm rất cao, thậm chí gây tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh sởi
Dựa vào cách triệu chứng của bệnh sởi để phát hiện bệnh sởi kịp thời. Ngay khi phát hiện trẻ đang có dấu hiệu của bệnh sởi như phát ban, ho, chảy nước mũi, sốt,... cha mẹ cần đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất đến thăm khám ngay lập tức, điều này không chỉ để điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn những diễn biến nặng hơn mà còn ngăn chặn khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu là căn bệnh xuất hiện do sự tấn công của virus Varicella Zoster (VZV) vào cơ thể con người. Đây là một trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè, lây trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch mũi họng của người mang bệnh thông qua giao tiếp hàng ngày, ho hay hắt hơi.
Triệu chứng
Biểu hiện của trẻ bị thủy đậu ban đầu là xuất hiện các mụn nước ở trên da và niêm có thể xuất hiện ở niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa.
Mụn nước có kích thước từ l - 3mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nhiễm khuẩn, mụn nước sẽ to hơn sẽ có màu đục do chứa mủ. Cùng với đó là các triệu chứng như sốt cao, suy nhược cơ thể, mệt mỏi. Bệnh thủy đậu có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ dàng truyền nhiễm từ người này sang người khác. Với tốc độ lây lan này nếu không kiểm soát kịp thời, thủy đậu hoàn toàn có thể bùng phát thành dịch.
Nếu trẻ được phát hiện mình bị thủy đậu và có phương pháp điều trị đúng cách và chăm sóc kịp thời thì có thể khỏi thủy đậu hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần. Nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh thủy đậu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như viêm màng não, viêm phổi. Đối với Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Hiện nay chưa có một liều thuốc đặc trị nào để chữa hoàn toàn bệnh thủy đậu, chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa, phòng bệnh thủy đậu bằng cách sử dụng vaccine phòng ngừa. Vaccine phòng ngừa thủy đậu được sử dụng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và dùng cho người lớn chưa mắc thủy đậu. Vaccine thủy đậu có hai mũi, mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhất hai tháng đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi và cách nhau 1,5 tháng đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn.
Ngoài sử dụng vaccine phòng ngừa thủy đậu, người bị thủy đậu cần phải cách ly để hạn chế lây nhiễm đến người khác và phải cách ly cho đến khi mụn nước khô hoàn toàn. Với những người bị thủy đậu, nên ở phòng có cửa sổ riêng, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh nắng mặt trời và cần phải điều trị đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ
TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát.
Cụ thể, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tuy nhiên, không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.
Đồng thời tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; khi bắt buộc phải đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.