Những loại hạt giúp giảm mỡ máu Những món ăn ngày Tết không dành cho người mỡ máu cao Uống dầu cá omega-3 có giúp giảm mỡ máu? |
Mỡ máu cao không chừa người gầy
![]() |
Rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao) là tình trạng tăng hoặc giảm bất thường các chỉ số lipid trong máu. |
Rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao) là tình trạng tăng hoặc giảm bất thường các chỉ số lipid trong máu.
Biểu hiện cụ thể gồm: Tăng cholesterol toàn phần; Tăng triglyceride; Tăng LDL-cholesterol (mỡ “xấu”); Giảm HDL-cholesterol (mỡ “tốt”).
Trong cơ thể, cholesterol xấu (LDL) làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, trong khi cholesterol tốt (HDL) giúp bảo vệ thành mạch. Khi tỷ lệ giữa chúng mất cân bằng — LDL tăng cao, HDL giảm — sẽ gây ra bệnh lý mỡ máu.
Nhiều người tin rằng gầy là “miễn nhiễm” với mỡ máu cao, nhưng theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam), điều này hoàn toàn sai lầm. “Mỡ xấu có thể âm thầm tích tụ trong mạch máu dù bạn gầy gò, gây tổn thương hệ tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ,” ông nói.
Y học hiện đại gọi những người gầy nhưng rối loạn chuyển hóa giống người béo là MONW (Metabolically Obese Normal Weight — “gầy nhưng chuyển hóa như béo phì”). Nghiên cứu của Đại học Kyungpook National (Hàn Quốc) đăng trên Diabetes & Metabolism cho thấy tỷ lệ MONW ở người châu Á cao hơn phương Tây, dao động 15–30% dân số, riêng Việt Nam khoảng 21%.
Vì sao người gầy vẫn bị mỡ máu?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long), tình trạng cholesterol cao thường liên quan đến chế độ ăn giàu calo, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít vận động, hút thuốc, uống rượu bia... Dù thể trạng gầy, những thói quen này vẫn khiến mỡ xấu tích tụ trong cơ thể.
![]() |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long), tình trạng cholesterol cao thường liên quan đến chế độ ăn giàu calo, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít vận động, hút thuốc, uống rượu bia... |
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng khiến người gầy mắc mỡ máu cao: Rối loạn di truyền chuyển hóa lipid; Bệnh lý gan, rối loạn nội tiết; Tuổi cao (mỡ máu thường tăng theo tuổi).
Tích tụ mỡ nội tạng — loại mỡ “ẩn” quanh gan, ruột, tim mà mắt thường không thấy.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải: Người gầy MONW có mỡ nội tạng nhiều hơn người phương Tây tới 30–40% ở cùng chỉ số BMI. Loại mỡ này rất nguy hiểm, làm tăng đề kháng insulin, gây gan nhiễm mỡ, tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Thêm vào đó, tình trạng đề kháng insulin khiến gan tăng sản xuất chất béo, đẩy cao triglyceride và tích tụ mỡ. Quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều năm, không có triệu chứng rõ rệt.
Những con số đáng lo
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỡ máu cao liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não và 56% ca thiếu máu cơ tim toàn cầu.
Tại Việt Nam, khoảng 153.000 người mắc mỡ máu mỗi năm. Đáng chú ý, khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM trên 700 người 30–69 tuổi có BMI bình thường (18,5–25) cho thấy 77,8% vẫn bị rối loạn mỡ máu — một con số báo động về “hiểm họa ẩn” ở người gầy.
Phân tích gộp trên Journal of American Heart Association (2024) cho thấy người MONW có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 50% so với người có cân nặng và chuyển hóa bình thường. Nghiên cứu mới của Đại học Tokyo cũng chỉ ra nhóm MONW có nguy cơ tim mạch cao hơn 30% so với người có cùng BMI nhưng chuyển hóa tốt.
Làm gì để phòng và kiểm soát mỡ máu?
Theo các chuyên gia, thay đổi lối sống là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng mỡ máu cao, dù bạn gầy hay béo. Một số khuyến nghị cụ thể:
Ăn uống lành mạnh: tăng rau xanh, trái cây tươi, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa
Tập luyện thể dục đều đặn 30–60 phút mỗi ngày
Tránh căng thẳng kéo dài, ngủ đủ giấc
Không hút thuốc, hạn chế rượu bia
Khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm mỡ máu ít nhất 1–2 lần/năm, ngay cả khi không có dấu hiệu béo phì
Bác sĩ Mạnh cảnh báo. không phải chỉ người béo mới lo mỡ máu. Người gầy cũng nên cảnh giác, đừng đợi đến khi có biến chứng mới đi khám thì đã muộn.
![]() |
![]() |
![]() |