Mức đóng BHYT từ 1/7 có thay đổi không? Thêm 4 nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí từ 1/7 Từ 1/7 việc khám chữa bệnh thuận tiện hơn, quyền lợi BHYT rộng hơn |
Từ ngày 1/7, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lo âu… có thể được kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như trước. Thay đổi quan trọng này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng tái khám, nhất là với người cao tuổi và bệnh nhân sống xa cơ sở y tế.
![]() |
Từ ngày 1/7, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lo âu… có thể được kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như trước. |
Bộ Y tế vừa ban hành thông tư, quy định mới về kê đơn thuốc hóa dược và sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Điểm đáng chú ý là việc cho phép kê đơn dài ngày (tối đa 90 ngày) với 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh lý phổ biến. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Theo danh mục ban hành kèm thông tư, các nhóm bệnh được áp dụng gồm: nhiễm trùng và ký sinh trùng; rối loạn máu; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa; bệnh tim mạch; bệnh hô hấp; rối loạn tâm thần và hành vi; bệnh hệ thần kinh; viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS; bệnh về cơ xương khớp; và một số bệnh hiếm, bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài.
Những bệnh thường gặp như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ...đều nằm trong danh sách được phép kê đơn tối đa 90 ngày.
Thông tư mới được đánh giá là bước đột phá trong cải cách thủ tục khám chữa bệnh, giải quyết một trong những bất cập tồn tại lâu nay. Trong nhiều năm, bệnh nhân dù đã điều trị ổn định nhưng vẫn phải xếp hàng mỗi tháng chỉ để lấy lại đơn thuốc cũ.
![]() |
Trong nhiều năm, bệnh nhân dù đã điều trị ổn định nhưng vẫn phải xếp hàng mỗi tháng chỉ để lấy lại đơn thuốc cũ. |
Tuy nhiên, quy định mới không đồng nghĩa tất cả bệnh nhân đều được cấp thuốc tối đa 90 ngày.
Theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), danh mục bệnh được xây dựng sau khi tiếp thu ý kiến chuyên gia từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối, qua hội đồng chuyên môn đánh giá, thẩm định kỹ.
Tuy nhiên, việc cấp thuốc 90 ngày không mang tính tự động. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của từng bệnh nhân để quyết định kê đơn 30, 60 hay tối đa 90 ngày.
Ví dụ: bệnh nhân tăng huyết áp có thể được cấp đơn thuốc 30 ngày trong giai đoạn đầu điều trị. Nếu sau vài tháng theo dõi huyết áp ổn định, bác sĩ mới cân nhắc kê đơn 60 hoặc 90 ngày. Điều này nhằm đảm bảo an toàn, tránh bỏ sót biến chứng tiềm ẩn.
TS. Dương cũng lưu ý, việc dùng thuốc dài ngày mà không tái khám định kỳ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Chẳng hạn, bệnh nhân đái tháo đường nếu không được soi đáy mắt định kỳ, có thể bỏ lỡ dấu hiệu sớm của biến chứng võng mạc, nguy cơ mù lòa. Hoặc người đang dùng thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan, thận nếu không được xét nghiệm theo dõi có thể âm thầm tiến triển thành suy gan, suy thận.
Do đó, dù có chính sách mới, người bệnh cần tôn trọng chỉ định bác sĩ, duy trì lịch khám định kỳ và theo dõi sát tình trạng sức khỏe.