Những thời điểm vàng để uống nước tốt cho sức khỏe Những sai lầm phổ biến khi dùng thuốc nhỏ mắt Những thói quen đơn giản giúp ngăn ngừa sỏi thận hiệu quả |
Nguy kịch sau bữa tiết canh
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nam 30 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng sau 3 ngày ăn tiết canh lợn. Gia đình phải phá cửa đưa anh đi cấp cứu khi bệnh nhân bất tỉnh, huyết áp tụt sâu, toàn thân xuất huyết, thâm tím và ban hoại tử lan rộng.
![]() |
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: BVCC |
ThS.BS Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, huyết áp tụt sâu, rối loạn đông máu nặng với xuất huyết nhiều nơi như mũi, miệng, dạ dày và dưới da. Ban hoại tử đang lan rộng ở tứ chi, tiên lượng rất dè dặt.
Tương tự, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều ca bệnh như vậy chỉ trong nửa đầu năm 2025. Các bệnh nhân đều có tiền sử ăn tiết canh hoặc thịt lợn chưa nấu chín, với thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày. Hầu hết khi đến viện đã ở giai đoạn sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.
Các bác sĩ cho biết, hầu hết những ca bệnh này dương tính với Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) – một loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm có thể xâm nhập vào máu và tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến hoại tử, sốc nhiễm khuẩn và tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ cảnh báo: Liên cầu khuẩn lợn “ẩn mình” trong máu, tiết, thịt sống
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Ở một số nhà hàng có hiện tượng dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... để bán. Vì thế, có những bệnh nhân dù ăn tiết canh dê, ăn tiết canh ngan, khi bị bệnh liên cầu lợn ngỡ ngàng. Nhưng kết quả xét nghiệm không biết nói dối, vì ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: Tại một số địa phương, vẫn có người dân quan niệm rằng ăn tiết canh đầu tháng (có màu đỏ) để lấy may mắn. Thường ở ngoài hàng quán, tiết canh được lấy từ tiết động vật tươi sống. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun sán.
Nếu không may ăn phải tiết của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, bệnh đường tiêu hóa… Trường hợp nam bệnh nhân trên cũng mắc sai lầm như vậy (theo lời người nhà, ngày mồng 1/8 âm lịch vừa qua, 2 anh em rủ nhau đi ăn tiết canh lấy may).
Theo bác sĩ Phúc, liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh. Ở người liên cầu khuẩn lợn gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc…
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
![]() |
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn. |
Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần). Người bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề, điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn, không hồi phục. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc liên cầu khuẩn lợn cao hơn hẳn nhiều nước khác do tập quán ăn tiết canh, thịt tái vẫn phổ biến. Mỗi năm vẫn có hàng chục ca bệnh nặng, trong đó không ít trường hợp tử vong, để lại hậu quả nặng nề như hoại tử tứ chi, điếc vĩnh viễn, suy thận mạn tính.
Ăn chín uống sôi, không “mạo hiểm” với tiết canh
Các chuyên gia khuyến cáo: tuyệt đối không ăn tiết canh, không giết mổ hoặc tiêu thụ thịt từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết. Cần lựa chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng, chế biến kỹ, nấu chín hoàn toàn.
ThS.BS Lê Sơn Việt khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh hay thịt tái, thịt chưa nấu chín. Nếu có các biểu hiện như sốt, đau đầu, xuất huyết dưới da, bầm tím toàn thân… sau khi ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với lợn, cần đến ngay cơ sở y tế.”
Bệnh liên cầu lợn có tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỉ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục.
"Loại vi khuẩn này bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Vì thế, không nên ăn tiết canh, thịt tái, sống. Tuyệt đối không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt", PGS Cường khuyến cáo.
![]() |
![]() |
![]() |