Một số cây thuốc dân gian có tác dụng hỗ trợ chữa nhiệt miệng Bỏ túi 5 thói quen ăn uống giúp giảm đau, chữa nhiệt miệng nhanh chóng |
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như môi, bên trong má, nướu, tên gọi khoa học là aphthous ulcer. Thông thường vết nhiệt miệng có màu trắng, hoặc vàng, viền xung quanh là màu đỏ, có dạng hình tròn hoặc oval. Nhiệt miệng là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần mà không để lại sẹo. Nếu nhiệt miệng kéo dài hơn hai tuần kèm theo các triệu chứng như sốt, sốt co giật thì cần đến khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời. Khác với herpes ở môi, vết nhiệt miệng không xảy ra trên bề mặt môi và không lây lan trên vùng bị bệnh.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng?
Nhiệt miệng thường xuất hiện vào mùa hè, theo quan điểm dân gian, bệnh là do bị nóng trong người hoặc ăn đồ nóng quá nhiều, hoặc cơ thể phản ứng với thời tiết nóng nực.
Theo y học hiện đại, có nhiều yếu tố được cho là có liên quan đến sự phát triển của vết loét gây ra nhiệt miệng, bao gồm:
Chấn thương miệng nhẹ do làm răng, hoặc khi chơi thể thao.
Nhạy cảm với thực phẩm nhiều gia vị hoặc có vị chua (cam, quýt,…) hoặc các loại thức ăn nhạy cảm như sôcôla, cà phê…
Dinh dưỡng kém, thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin B12, kẽm, folate và sắt.
Thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt.
Quá stress, căng thẳng hoặc thiếu ngủ.
Nhiễm trùng trong khoang miệng.
Ngoài ra khi mắc một số bệnh sau cũng có thể gây nên nhiệt ở miệng:
Bệnh celiac (cơ thể không thể dung nạp gluten trong thức ăn).
Bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường, bệnh HIV/AIDS.
Hệ thống miễn dịch hoạt động sai khiến cơ thể tấn công các tế bào miệng khỏe mạnh (còn gọi là bệnh tự miễn).
Những thực phẩm cải thiện nhiệt miệng
Bệnh nhiệt miệng tuy là bệnh lành tính và có thể tự lành sau 1-2 tuần, nhưng thật sự không phải là dễ dàng để chịu đựng cảm giác đau rát khó chịu này trong thời gian dài. Để giúp giảm kích ứng cho đến khi vết loét miệng lành lại, hãy ăn những thức ăn nhạt, mát hoặc ở nhiệt độ phòng. Một số thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, chống viêm, tốt trong việc chữa lành vết thương, có thể giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả.
Mật ong
Mật ong còn gọi là bách hoa cao hoặc bạch mật, thạch mật, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Theo Y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc; có công năng bổ dưỡng tỳ vị, tăng sinh lực, dưỡng huyết, nhuận phế, nhuận tràng, trị các chứng ho mãn tính, ho ra máu, thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa vi khuẩn… Bên cạnh tác dụng làm đẹp, chữa lành vết thương, giải độc cơ thể… thì mật ong còn có tác dụng giảm nhiệt miệng.
Trong mật ong có chứa hydroperoxide tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm giúp thúc đẩy mau lành vết thương. Nguồn vi chất dinh dưỡng dồi dào trong mật ong như kẽm, sắt, kali… còn giúp tăng sức đề kháng và ngăn cho nhiệt miệng tái phát.
Có thể bôi trực tiếp mật ong vào vết loét: Sau khi súc miệng bằng nước ấm, dùng tăm bông chấm vào mật ong và thấm nhẹ nhiều lần trực tiếp lên vết loét để mật ong thẩm thấu sâu vào vết thương, để nguyên trong khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Thực hiện 2-3 lần/ngày và duy trì trong 10 ngày liên tục.
Có thể thay cho nước súc miệng: Ngậm mật ong trong khoảng 1 phút và đảo đều nhiều lần xung quanh vết thương. Sau đó, súc miệng bằng nước ấm để làm sạch phần khoang miệng và lợi. Thực hiện liên tục 3-5 ngày.
Lưu ý các trường hợp không nên dùng mật ong: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ mang thai, người huyết áp thấp hoặc đường máu thấp, xơ gan, tiểu đường, rối loạn chức năng tiêu hóa, người mới phẫu thuật, có tiền sử dị ứng với một số thành phần của mật ong.
Dầu dừa
Dầu dừa là nguyên liệu dễ tìm, bên cạnh công dụng chăm sóc sắc đẹp (tẩy trang, dưỡng da toàn thân, chống rạn da, hạn chế nếp nhăn, tẩy tế bào chết, mượt tóc…) mà còn có khả năng kháng khuẩn tốt, giúp vết loét nhiệt miệng giảm sưng đau nhanh chóng. Trong thành phần dầu dừa có chứa acid lauric, là chất kháng viêm tự nhiên giúp vết loét miệng bớt đỏ, giảm đau, giảm sưng và giảm sự khó chịu trong khoang miệng.
Buổi sáng sau khi ăn sáng xong và vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, sau đó thoa một lượng dầu dừa vừa đủ lên vết nhiệt miệng vài lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành.
Cũng có thể súc miệng với dầu dừa: Dùng lưỡi massage chỗ vết nhiệt miệng nhẹ nhàng bằng dầu dừa, đợi khoảng 30 giây thì nhổ ra, mỗi ngày 2-3 lần.
Lưu ý: Cần hạn chế nuốt nước bọt sau khi bôi dầu dừa để nó có tác dụng bao phủ lên vị trí nhiệt miệng. Dầu dừa chỉ có tác dụng khi vết nhiệt miệng ở mức độ nhẹ, vết nhiệt miệng nhỏ. Nếu bị nhiệt miệng nặng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sữa chua
Sữa chua (yaourt) là một sản phẩm từ bơ sữa được tạo ra bằng cách lên men sữa ở nhiệt độ thích hợp để sản sinh ra các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Hai thành phần chính là Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium, còn lại là đường, đạm, chất béo và các vi chất cần thiết cho cơ thể (kẽm, sắt, canxi, phospho,…).
Theo những nghiên cứu thì men vi sinh sống như lactobacillus có mặt trong sữa chua sẽ giúp hỗ trợ tiêu diệt khuẩn Helicobacter pylori, đẩy lùi loại vi khuẩn này, do đó giúp cải thiện nhiệt miệng do khuẩn H.pylori; và còn cải thiện nhiệt miệng do viêm ruột. Ngoài ra sữa chua còn có tác dụng ngăn chặn sự hình thành của các vết loét trong khoang miệng. Một ly sữa chua mát lạnh vào mùa hè nóng bức giúp giải nhiệt cơ thể hiệu quả. Do đó hãy ăn 245g sữa chua (2 hũ) mỗi ngày cho đến khi vết thương lành để vết nhiệt ở miệng dịu nhẹ mau lành.
Lưu ý: Canxi trong sữa chua có thể tương tác làm giảm tác dụng của một số thuốc khi dùng đồng thời (như kháng sinh nhóm tetracyclin, quinolon…). Do đó, trong thời gian điều trị bằng các thuốc này, không nên sử dụng sữa chua cũng như các chế phẩm làm từ sữa.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian nhiệt miệng do nóng trong người do đó nên sử dụng một số biện pháp giải nhiệt như:
Uống nước đậu đen
Rang đậu đen lên (50-100g) sau đó bỏ vào nước ninh kỹ, lấy nước uống thay nước hằng ngày cho đến khi vết nhiệt miệng lành. Theo đông y, đậu đen có vị ngọt nhạt, tính bình, mát, tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Nước đậu đen vừa thanh mát vừa bổ dưỡng. Các vitamin và khoáng chất trong đậu đen là những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, hỗ trợ cải thiện nhiệt miệng.
Lưu ý: Người mắc bệnh viêm đại tràng, hay ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không nên dùng.
Nước rau má
Rau má rửa sạch giã nhuyễn hoặc xay xinh tố sau đó ép lấy nước uống hàng ngày sẽ giúp tình hình nhiệt miệng được cải thiện sau vài ngày. Mỗi ngày dùng không quá 40g cây rau má tươi. Theo Đông y, rau má có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, tác dụng thanh nhiệt, giải độc và có thể chữa trị nhiều chứng bệnh về răng miệng.
Theo Y học hiện đại, rau má khả năng giúp điều trị các vết loét nhiệt miệng hiệu quả vì có chứa Triterpenoids có tác dụng làm lành vết thương, chữa nhiệt miệng rất nhanh, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, vết lở loét; tinh dầu trong rau má còn có tác dụng kháng khuẩn.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên dùng.
Trà hoa cúc
Hoa cúc có tính bình, vị ngọt - đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng làm dịu thần kinh, thanh nhiệt gan mật, thanh nhiệt cho cơ thể, giúp giảm nhiệt cơ thể khi bị cảm sốt, hay có những cơn bốc hỏa, bốc nóng không rõ nguyên nhân. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng thường dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Trà hoa cúc có mùi thơm dễ chịu, vị ngon tự nhiên, giúp thư giãn, thanh nhiệt cơ thể và có tác dụng giảm đau, làm lành vết thương rất tốt. Trong trà hoa cúc có chứa levomenol và azulene, có khả năng sát trùng và chống viêm hiệu quả.
Dùng hoa cúc pha nước ấm như trà uống giúp thanh nhiệt cơ thể hoặc dùng súc miệng 3 - 4 lần/ngày cho tới khi khỏi nhiệt miệng. Hoặc dùng túi trà hoa cúc đắp lên vị trí bị vết nhiệt miệng trong vòng vài phút hỗ trợ cải thiện nhiệt miệng.
Sử dụng nước súc miệng cũng là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng. Nhiều loại thảo dược có thể được pha chế vừa đơn giản mà hiệu quả đem lại rất tuyệt vời trong cải thiện nhiệt miệng.
Nước ép cà chua sống
Cà chua có tính bình, vị chua, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hiệu quả. Cà chua còn chứa nhiều vitamin C và giàu nguyên tố vi lượng có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm tốt trong việc chữa lành vết thương. Dùng nước ép cà chua để ngậm rồi nuốt dần như nước khế hoặc có thể nhai sống cà chua. Dùng từ 3-4 lần/ngày.
Nước khế chua
Khế chua giàu vitamin C, tác dụng tăng sinh tân dịch nhiều hơn giúp thanh nhiệt giải độc cho cơ thế rất tốt. Dùng 2-3 quả khế chua, giã nát rồi cho vào nồi đổ ngập nước đun sôi, để nguội, lấy ngậm nuốt dần, 2 lần một ngày, sau vài ngày nhiệt miệng sẽ cải thiện.
Nước củ cải
Củ cải trắng chứa thành phần kháng viêm, sát khuẩn giúp nhanh lành thương, thường được dùng chữa nhiệt miệng. Dùng 300g củ cải trắng giã lấy nước cốt hòa cùng 1 ít nước lọc, dùng súc miệng 3 lần/ngày.
Một số món ăn hỗ trợ điều trị nhiệt miệng
Khi bị nhiệt miệng thường rất khó ăn uống, ăn các món mềm như cháo, canh, chè… sẽ dễ dàng hơn. Người bị nhiệt miệng cũng có thể sử dụng các món ăn giúp thanh nhiệt như:
Chè bí đỏ đậu xanh
Chuẩn bị 150g bí đỏ, 100g đậu xanh, đường trắng với lượng vừa đủ. Bí đỏ bạn đem gọt vỏ, thái miếng to; đậu xanh đem vo sạch rồi cho cùng bí đỏ vào nồi, nấu tới khi chín mềm thì thêm đường, múc ra bát, ăn nguội. Tác dụng: Thanh nhiệt ở can tỳ, bổ âm, mát huyết, chống viêm. Trong bí đỏ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao (sắt, kali, photpho, các vitamin C, vitamin B, beta caroten…), rất tốt cho não bộ, làm tăng cường miễn dịch, giúp tim khỏe mạnh, mắt sáng, cho giấc ngủ ngon hơn và hỗ trợ cho việc chăm sóc da… Còn hạt và vỏ đậu xanh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hoà ngũ tạng, vừa bổ dưỡng cơ thể ( do rất giàu vitamin và khoáng chất).
Lưu ý: Khi uống thuốc Đông y thì không nên ăn đậu xanh bởi đậu xanh sẽ hóa giải toàn bộ thảo mộc có trong thuốc.
Canh khổ qua
Canh khổ qua là món ăn khá quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết. Món canh này tương đối dễ nấu mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng, là món canh giải nhiệt, mát và bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, ăn uống nhiều dầu mỡ như ngày Tết, góp phần cải thiện nhiệt miệng hiệu quả. Khổ qua không chỉ giúp làm thanh mát cơ thể và bổ sung chất xơ mà còn giúp làm đẹp da, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, hạ đường huyết.
Lưu ý: Nhớ không nêm quá mặn sẽ khiến vết nhiệt miệng đau rát khó chịu. Ăn quá nhiều khổ qua có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng. Không nên sử dụng cho những trường hợp có biểu hiện hạ đường huyết vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên dùng.
Cháo (cá lóc, đậu xanh,…)
Nhiệt miệng tuy gây đau đớn, khó chịu, ăn uống không ngon miệng nhưng chúng ta cũng cần phải đảm bảo đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Cháo mềm rất dễ dàng khi ăn. Cháo được nấu từ các thành phần có tác dụng thanh nhiệt, bổ dưỡng như cá lóc, đậu xanh, đậu đen… có tính mát, lành tính, thanh nhiệt, bổ dưỡng, là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày bị nhiệt miệng.
Có thể thấy, có nhiều loại thực phẩm giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả và dễ áp dụng. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nhiệt miệng và cơ địa của từng người, hiệu quả mà các loại thực phẩm này mang lại sẽ khác nhau ít nhiều. Nếu bị nhiệt miệng nặng hơn, gây đau đớn nhiều hoặc tái phát nhiều lần cần phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.