Củ ấu già được thu hoạch |
Củ ấu có tên gọi khác như ấu trụi, ấu nước, lãng thực... Tên khoa học của củ ấu: Trapa bicornis thuộc họ củ ấu Trapaceace.
Củ ấu thuộc loại cây sống dưới nước, thân cây ngắn có lông. Cây ấu có hoa màu trắng, mọc đơn lẻ ở kẽ lá. Quả thường gọi củ ấu có hai sừng, đầu sừng có hình mũi tên và sừng của củ ấu do các lá đài phát triển thành.
Trong củ ấu có hàm lượng tinh bột chiếm khoảng 49% và hàm lượng protein chiếm 10,3%. Còn các thành phần dinh dưỡng khác theo tài liệu Trung Quốc, trong 100g củ ấu chín có 4.5gam albumin, 0.1gam chất béo, 19.7gam chất đường các loại, 0.19gam vitamin B1, 0.06gam B2, 1.5mg PP, 13mg C, 7mg Ca, 0.7mg sắt, 19mg Mn, 93mg P. Hợp chất AH13 được biết đến như chất được dùng hỗ trợ điều trị chống ung thư.
Củ ấu chứa nhiều chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn probiotic giúp sản sinh enzyme tiêu hoá đối với đường ruột, củ ấu còn có thể bổ sung máu cho những người thiếu máu, canxi và photpho. Những thành phần này đều giúp xương chắc khỏe. Hơn nữa, thành phần magie cũng như mangan có chứa trong củ ấu có thể sản xuất enzyme làm giảm tình trạng stress, đồng thời còn bổ sung thêm kẽm để tăng cường hệ thống miễn dịch cũng như nhiều thành phần kali giúp cải thiện tình trạng tim mạch và huyết áp
Trong củ ấu còn chứa iod có tác dụng ngăn ngừa bệnh bướu cổ và các bệnh liên quan đến tuyến giáp khác. Bên cạnh đó hàm lượng vitamin C và vitamin B có tác dụng cải thiện tăng cường sức đề kháng.
Theo Đông y, củ ấu có vị ngọt, tính mát, vào tỳ, tác dụng ích khí kiện tỳ, thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát. Di chiết trong rượu củ ấu có thể sử dụng nhằm giúp chống nóng, chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy. Còn với những củ ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, và những loại ấu này thường được sử dụng trong trường hợp tỳ hư tiết tả, chu kỳ kinh nguyệt với hàm lượng máu khá nhiều, trĩ xuất huyết và có thể chống suy nhược.
15 củ ấu = nửa bát cơm
Nhà dinh dưỡng học người Đài Loan Jian Ruoting cho biết, củ ấu thuộc loại ngũ cốc nguyên hạt, có thể dùng làm lương thực chính, ăn khoảng 15 hạt bằng nửa bát cơm. Ở Nhật Bản xưa, khi xảy ra nạn đói, một số vùng sẽ trộn củ ấu và gạo với nhau để bổ sung dinh dưỡng.
Củ ấu nhiều dinh dưỡng, axit folic gấp đôi cải bó xôi, polyphenol tương đương với trà xanh
Ngoài sự thơm ngon và hấp dẫn, củ ấu thực sự có rất nhiều giá trị dinh dưỡng. Nó rất giàu carbohydrate, protein, vitamin B1, B2, vitamin C, caroten, khoáng chất kali, canxi, phốt pho, sắt và các chất dinh dưỡng khác.
Củ ấu sống chứa gấp đôi lượng axit folic so với cải bó xôi. Axit folic là chất quan trọng để tạo nên tế bào, phụ nữ mang thai nên bổ sung nhiều hơn, axit folic còn có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.
Vỏ củ ấu còn chứa polyphenol tương đương với trà xanh có tác dụng chống oxy hóa.
Củ ấu thanh nhiệt, giải độc dạ dày và ruột
Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, củ ấu có thể giúp đường ruột và dạ dày giải độc và thanh nhiệt. Vào thời Edo của Nhật Bản, cũng có tài liệu chỉ ra rằng nó được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa.
Bệnh nhân bị loét dạ dày cũng có thể ăn củ ấu với lượng vừa phải, rất hữu ích trong việc hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, củ ấu còn là một trong số ít thực phẩm có chứa hợp chất germanium hữu cơ. Các hợp chất germanium hữu cơ phong phú trong nó có thể làm tăng đáng kể lượng oxy trong cơ thể, giúp loại bỏ độc tố và chất thải cũ, cải thiện hoạt động của tế bào và chức năng của các cơ quan, đồng thời đạt được hiệu quả cải thiện khả năng miễn dịch và chữa bệnh tự nhiên.
Giảm cholesterol, có thể ngăn ngừa ung thư thực quản, ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung
Thành phần đặc biệt ergostene chứa trong củ ấu có tác dụng chống ung thư, chống viêm và giảm cholesterol. Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Sơn Đông, Trung Quốc, một thí nghiệm trên động vật cho thấy các thành phần trong củ ấu có thể loại bỏ chứng cổ chướng do khối u gây ra, đồng thời có tác dụng ức chế ung thư thực quản, ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.
Một số thí nghiệm chống ung thư khác cũng đã phát hiện ra rằng chiết xuất củ ấu có tác dụng ức chế tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Những lưu ý khi sử dụng củ ấu
Củ ấu mặc dù được đánh già là có rất nhiều công dụng hữu ích nhưng bạn vẫn luôn phải thận trọng khi dùng. Bởi sử dụng không đúng cách trong một số trường hợp có thể sẽ phát sinh nhưng vấn đề không mong muốn.
Tránh lạm dụng hay ăn nhiều củ ấu trong cùng một thời điểm. Bạn sẽ rất dễ gặp tình trạng đầy hơi hoặc đau trướng vùng bụng do dược liệu này có tính hàn.
Ngoài ra, sau khi ăn củ ấu không nên uống nước liền bởi sẽ gây cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, những người đại tiện lỏng hay tỳ vị hư yếu cũng cần tránh sử dụng dược liệu này ở dạng sống.