Bình chọn cho du lịch Việt Nam tại Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 Hiến kế cho du lịch Việt Nam tăng trưởng xanh và bền vững Top 5 địa điểm du lịch Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất năm 2023 |
Năm 2023: Vượt mục tiêu
Trong năm 2023, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Du lịch toàn cầu chỉ phục hồi ở mức gần 90% so thời điểm trước dịch COVID-19, trong đó khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%.
Ở Việt Nam, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng phục hồi tích cực. Ngành du lịch đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỉ đồng, vượt 4,3% kế hoạch năm 2023.
Tuy vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá số lượng du khách nêu trên mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673.500 tỉ đồng, chiếm 10,8% tổng mức doanh thu du lịch và tăng 14,7% so với năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37.800 tỉ đồng, tăng 52,5%...
Về phía địa phương, doanh thu từ du lịch của Đà Nẵng tăng 133,8% so với năm 2022, TP HCM tăng 68%, Hà Nội tăng 47,5%, Hải Phòng tăng 41,9%, Cần Thơ tăng 29,1%... TP HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu trên 160.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng lượng du khách đến Hà Nội ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019).
Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) hồi tháng 9-2023, Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới". Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" lần thứ 4 trong khi nhiều điểm đến, doanh nghiệp (DN) du lịch nhận được nhiều giải thưởng danh giá.
Có được kết quả trên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong năm 2023, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ DN du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Việc tạo thuận lợi cho du khách quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, nhất là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện.
Việc phát triển du lịch được đặt trong tổng thể công tác văn hóa, đối ngoại, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, hoạt động thể thao, xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương...
Năm 2024: 4 yêu cầu đặt ra
Trong năm 2024, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định tuy đã có sự phục hồi đáng kể trong năm 2023 nhưng bước sang năm 2024, du lịch trong nước sẽ vẫn đối mặt những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, thiên tai, bão lũ... tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân.
Trong khi đó, nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến phục hồi 95%-100% so với năm 2019. Ngành cũng dự kiến phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, trong đó khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 840.000 tỉ đồng, cao gấp 1,25 lần năm 2023 và gấp 1,2 lần năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt ra 4 yêu cầu đối với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Thứ nhất, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách; rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch; liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển những loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả, cung cấp số liệu tốt để phục vụ thiết thực việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch...
Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị, triển khai kịp tiến độ.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn... Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng để tăng tốc đón du khách, cần cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch.