Những loại rau cải phổ biến không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe Thứ rau rừng sương sáo, công dụng không chỉ làm thạch Công dụng bất ngờ từ loài rau dại tên nghe như "dao" |
Rau ngổ, còn gọi là rau om, ngò om, ngổ hương, ngổ thơm, ngổ điếc, thạch long vĩ, tên khoa học là Limmophila chinensis thuộc họ Scrophulariaceae.
Rau ngổ là cây thân thảo có chiều cao khoảng 20cm, thân xốp có nhiều lông. Lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân. Rau ngổ có hai loại: ngổ 2 lá (mọc đối) và ngổ 3 lá (mọc vòng), dùng loại nào cũng được. Thân và lá có mùi rất thơm, vì vậy được dùng làm rau gia vị.
Ngổ là cây ưa mọc trên đất sình lầy, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Sau khi bị ngắt ngọn hay cắt toàn thân, phần gốc còn lại vẫn có khả năng tái sinh chồi khỏe. Chồi mọc ra ở kẽ lá theo kiểu lưỡng phân, và sinh trưởng với tốc độc tương đối nhanh. Do đó trong một năm người ta có thể thu hái lên tới hàng chục lần trên cùng một cá thể.
Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của rau ngổ: kết quả cho thấy dược liệu này có độc tính rất thấp, không đáng kể. Cây có tác dụng lợi tiểu, dãn cơ, giải co thắt cơ trơn, dãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, do đó tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện tống sỏi thận ra ngoài.
Theo Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột, làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa, ngừa ung thư... trị thủy thũng, viêm kết mạc, phong chẩn, thủy đậu, trị những cơn đau thắt bụng.
Tại Trung Quốc, ngổ được dùng để trị chấn thương khi té ngã và trị thủy thũng, sưng kết mạc, mụn ngoài da, rắn cắn và cam tích nơi trẻ em. Ngổ cũng được dùng trị các rối loạn, đau khi có kinh nguyệt, giúp sinh sữa cho sản phụ.
Một số bài thuốc dân gian từ rau ngổ
Dùng cho người bị sỏi mật, sỏi thận (sỏi bùn, đá): 100g rau ngổ tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, thêm 1 muỗng canh mật ong uống vào buổi sáng lúc đói, liên tục 10 - 15 ngày.
Dùng cho người bị đái ra máu: rau ngổ 10g, cỏ tháp bút 10g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng rồi sắc uống làm hai lần trong ngày.
Dùng cho người bị ban đỏ: rau ngổ 20g, dây vác tía 20g, măng sậy 10g, đọt tre mỡ 10g, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống trong ngày.
Dùng cho người bị ho lâu ngày do viêm phế quản mãn tính, ngủ hay mơ: 50g rau ngổ (om) rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt + 3 - 5 hột muối hột uống lúc sáng mới tỉnh dậy chưa đánh răng súc miệng, liên tục 10 - 15 ngày
Dùng cho người bị ho, sổ mũi: 15 - 30g rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày.
Dùng cho người bị viêm tấy đau nhức: 1 nắm rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào nơi thương tổn rất công hiệu.
Dùng cho người bị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000ml nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Dùng cho người bị vết thương ngoài da gây mủ: Giã nát vài ba cây rau tươi, đắp lên vết thương.
Dùng cho người bị rắn cắn: 15 - 20g rau ngổ tươi, 25g kiến cò, giã nát 2 vị trên, thêm 20 - 30ml rượu trắng, chắt lấy nước uống, còn bã đắp vào vết cắn. Hoặc lấy 20 - 40g rau ngổ khô, sao vàng, sắc lấy nước uống 4 - 5 lần liền.
Dùng cho người bị herpes: Rau ngổ tươi giã nát, chắt lấy nước cốt bôi lên tổn thương herpes mảng tròn (hoặc bệnh ngoài da); kết hợp nấu nước rau ngổ để rửa hằng ngày.
Lưu ý
Phụ nữ có thai không dùng, vì có thể làm giãn cơ tạng phủ, dẫn đến sảy thai.
Khi dùng rau ngổ để ăn sống hay giã lấy nước uống sống cần rửa thật kỹ, ngâm với nước muối loãng để tránh ngộ độc vì nó rất dễ bám dính các loại vi khuẩn.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, nhất là đối với những người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc khác. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.