Cây sương sáo có tên khoa học là Mesona chisnensis Benth, thuộc họ Hoa môi, cây còn được gọi là cây thạch đen, lương phấn thảo, tiên nhân thảo, tiên nhân đông, cây thủy cẩm, sương sáo đen, trắng. Cây chủ yếu mọc hoang ở vùng rừng núi, về sau được trồng tại các vùng đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Cây có thể thu hái quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa, sau khi thu hái, thân và lá cây sẽ được rửa sạch, sau đó phơi khô để làm thuốc hoặc nấu làm thạch ăn thanh nhiệt. Thân và lá cây sương sáo có hoạt chất pectrin, là một hoạt chất tạo gel, do vậy sau khi nấu xong để nguội sương sáo sẽ tạo khối thạch đen. Thạch được sử dụng để làm thức uống giải khát trong những ngày hè nắng nóng.
Theo y học cổ truyền sương sáo có tính mát, có tác dụng hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
Theo y học hiện đại, sương sáo có tác dụng có lợi cho sức khỏe như tác dụng chống oxy hóa in vitro, giảm cholesterol máu, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ giảm cân.
Cách nấu sương sáo
Nấu thạch sương sáo từ thân lá khô
Thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn là năng xuất cao nhất. Cần cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều. phơi nắng nhẹ một ngày sau đó đánh đóng lại 1-2 ngày mới đem ra phơi tiếp, khoảng 2-3 ngày phơi là khô. Thường 10 kg thân lá sương sáo tươi thì thu được 1 kg khô.
Xay thân lá cây sương sáo khô thành bột, thêm nước vào nấu kỹ, lọc lấy nước, thêm ít bột sắn hay bột gạo vào nấu cho sôi lại, để nguội làm thạch mềm màu đen, để cho mau đông, người ta thêm nước tro. Khi ăn thạch, thái miếng nhỏ cho vào chén, thêm nước đường, tinh dầu thơm, dùng ăn như các loại thạch khác.
Nấu thạch sương sáo từ lá tươi
Theo công thức : 1kg lá tươi và 10 lít nước. Trước tiên cho 1kg lá sương sáo với 8 lít nước và thêm 2 muỗng canh nước tro tàu. Đem nấu đến khi sôi và thấy có xuất hiện dịch nhớt thì ngừng lại và đem lọc. Sau khi lọc xong cho thêm vào 2 lít nước còn lại và thêm 2 muỗng canh bột mì tinh rồi đem dịch này nấu trên ngọn lửa nhẹ. Trong quá trình nấu nếu thấy dịch đông lại thì phải khuấy đều. Nấu khoảng 5 phút rồi để nguội. Sau một thời gian, ta thu được thạch sương sáo có màu đen.
Các bài thuốc từ cây sương sáo
Dùng cho người bệnh tiểu đường: Sử dụng nguyên liệu gồm 30g rau đắng đất khô, 30g thân và lá cây sương sáo khô, 50g cây rung rúc, rửa sạch cho vào ấm và sắc cùng với 500ml nước lọc, sắc đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan: Sử dụng nguyên liệu gồm 20g lá sương sáo khô, 20g cây thù lù, 20g râu ngô, 10g lá dứa, sắc cùng với 500ml nước lọc trong vòng 20 phút.
Chữa cảm do thời tiết: Dùng 10 – 15g lá sương sáo khô rửa sạch sắc cùng với 200ml nước lọc, uống hết 1 lần, mỗi ngày 1 thang, liên tục trong vòng 3 ngày.
Dù sương sáo là loại cây lành tính và quen thuộc, nếu đang có bệnh nền hoặc dùng thuốc đặc trị, bạn cần tìm hiểu, tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng sương sáo với mục đích chữa bệnh.