Cây đắng còn gọi là lá mật vịt, lá canh đắng |
Cây đắng giống như tên gọi của mình, lá có vị đắng đặc trưng nên có nơi còn gọi là lá mật vịt, lá canh đắng. Cây thường mọc ở ven rừng, bên khe núi, sau này, cây cũng được nhiều người mang về trồng trong vườn như một loại rau. Cây xanh tốt quanh năm, đặc biệt là phát triển rất tốt vào mùa mưa. Cây có lá dài và thon, thường mọc thành chùm như cây sắn. Để nấu canh, người dân thường dùng lá bánh tẻ thì chén canh mới đậm mùi lá đắng.
Có thể nói, canh lá đắng là đặc sản nổi tiếng nhất của người dân tộc Mường, tuy nhiên ở mỗi vùng hương vị của lá đắng lại có hương vi khác nhau. Ở xứ Thanh, canh đắng cũng mang những hương vị rất riêng, tạo nên sự phong phú trong ẩm thực vùng miền của người dân địa phương đó. Ví dụ như ở nhiều nơi canh đắng buộc phải có riềng, nhưng ở Như Thanh, Như Xuân… canh đắng lại lấy vị của cây sả là gia vị chính.
Lá đắng nấu canh thường được nấu chung với lòng gà, thịt gà hay nấu với thịt heo hoặc cá đồng đều được. Những món ăn được chế biến từ cây lá đắng đều ngon và bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Có một điều đặc biệt khi dùng lá đắng để nấu canh hay chế biến món ăn là người bản xứ sẽ luôn cho thêm một chén tiết vào cùng.
Chia sẻ với báo chí, anh Bùi Văn Thương, người dân tộc Mường ở Thanh Hóa cho biết: Món canh đắng này là món ăn mang đậm bản sắc núi rừng của người Mường xứ Thanh. Trong những ngày Lễ, Tết, hay có khách quý đến chơi nhà, canh đắng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm. Người dân tộc Mường ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, ngay trong cộng đồng người Mường xứ Thanh cũng có sự khác nhau trong chế biến món ăn độc đáo này. Với người Mường ở Như Thanh, muốn món canh đắng ngậy, bùi, thơm hơn thì chúng tôi thường băm nhỏ một ít top mỡ lẫn với thịt. Có nhiều nơi đồng bào Mường còn nấu canh đắng bằng lòng gà, lòng heo, hay các loại cá…
Những thực khách thưởng thức lần đầu sẽ có cảm giác đắng ngắt tê tê nơi cổ họng, nhiều người còn nhắm mắt, rùng mình vì chưa bao giờ ăn phải một món ăn nào đắng chao đảo đến như vậy. Nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác của bạn khiến bữa ăn ngon miệng hơn. Khi ăn quen bạn sẽ bị nghiện vị đăng của lá rau rừng này, cùng với đó bị béo,ngậy, thơm lừng quện lại nơi đầu lưỡi.
Hiếm ai từng nếm thử một lần vị canh đắng mà lại không tiếp tục thưởng thức thêm lần nữa, bởi vị đắng của lá rau tan rất nhanh và biến mất. Thay vào đó là thứ vị thanh thanh rất mát, béo đậm đà của nước canh, vị ngọt bùi của thịt và tiết gà, và dậy mùi đặc trưng của rau lá đắng cùng các loại gia vị đi kèm.
Không chỉ ăn khi còn tươi, lá đắng còn có thể đem phơi khô, cho vào túi nylon để nơi khô ráo, đến lúc nào cần dùng thì đem ra rửa sạch rồi nấu như mọi thứ canh rau khác. Đó không chỉ là thứ rau dùng để chế biến món ăn lạ miệng mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh đường ruột, chống đầy hơi, tiêu mỡ và giải rượu của người dân tộc Mường.
Lá đắng lòng heo |
Ngày nay, thấy được giá trị kinh tế do cây lá đắng mang lại, nhiều hộ dân đã mang về trồng vườn nhà để tăng thêm thu nhập.
Bà Lùng Thị Ngoan, thôn Lùng Vi, xã Nà Khương (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện trồng được khoảng 0,5 ha rau lá đắng dưới tán rừng. Hàng tuần thu hoạch lá đắng tươi bán tại chợ huyện Bảo Yên (Lào Cai), trung bình thu nhập trên 2 triệu đồng/phiên chợ...”.
Ông Lùng Văn Trung, Giám đốc HTX Nam Hà, xã Nà Khương (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cho biết: HTX trồng được khoảng 10 ha Lá đắng, trung bình 1 ha thu được 1 tấn lá/năm. HTX tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì đúng tiêu chuẩn.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm lá đắng của HTX chủ yếu tại các chợ phiên và tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang... Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm HTX thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo những người làm nghề thuốc Nam thì lá đắng không chỉ là thứ rau dùng để chế biến món ăn lạ miệng mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh đường ruột, chống đầy hơi, tiêu mỡ và giải rượu, bia.
Trong những ngày Xuân, khi những món ăn khác khiến chúng ta thấy ngán thì chỉ cần một nồi canh lá đắng, vừa ăn, vừa xuýt xoa sẽ thú vị biết bao nhiêu. Và đặc biệt nó sẽ khiến chúng ta thấy khỏe lại, tỉnh táo hơn sau một ngày bia, rượu mệt nhoài.
Cách nấu canh lá đắng?
Canh lá đắng lòng gà ngon chuẩn vị Thanh Hóa |
Bạn chọn những lá đắng bánh tẻ (là những lá không quá già cũng không quá non) để nấu canh. Lá đắng đem rửa sạch, để ráo rồi dùng dao xắt lá đắng thành sợi chỉ, để riêng.
Thịt gà rửa sạch rồi đem băm nhỏ. Tiếp theo, ướp thịt gà với mắm tơm, mẻ, tiêu xay, sả và ớt. Trộn đều và để trong khoảng 15 phút cho thịt gà thấm gia vị.
Bật bếp, chờ cho chảo nóng già thì cho dầu ăn vào, cho thêm hành tỏi đã băm nhỏ vào phi thơm. Khi hành tỏi dậy mùi thơm thì cho thịt gà đã ướp gia vị vào xào sơ cho thịt gà săn lại.
Tiếp đó, bạn cho thêm 1 chén tiết vào nấu cùng, chỉnh lửa nhỏ liu riu để nấu cho thịt gà và tiết ngấm gia vị. Nấu khoảng 3 – 5 phút thì cho thêm nước vào để nấu sôi. Khi canh sôi già, bạn cho hết phần lá đắng đã xắt chỉ vào, khuấy đều, đun thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp.
Canh lá đắng dùng nóng sẽ rất ngon. Khi mới ăn lần đầu tiên, có thể bạn sẽ phải rùng mình vì cảm giác đắng và tê tê nơi cổ họng. Nhưng vị đắng sẽ tan rất nhanh, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được vị thanh mát, hơi beo béo rất đậm đà của canh hòa quyện rất tuyệt vời với vị ngọt của thịt, của tiết và mùi thơm của lá đắng với hành sả cùng các loại gia vị khác. Chính vì vậy, khi đã ăn một lần, chắc chắn bạn sẽ muốn được ăn tiếp lần nữa vì hương vị đặc biệt thơm ngon của núi rừng.