Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban 2022 Khai mạc trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch tại Lễ hội Hoa Ban 2022 Điện Biên tưng bừng khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2022 |
Lý do gì khiến loài hoa của núi rừng Tây Bắc trở thành món ăn đặc sản |
Hoa ban là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, chỉ khoe sắc khi hoa mận, hoa đào đã phai dần trên các triền đồi. Loài hoa này làm say đắm lòng người bằng vẻ đẹp tinh khiết cùng với mùi thơm đầy lôi cuốn. Cứ đến độ tháng 3, tháng 4, khách du lịch lại kéo nhau lên Tây Bắc để chiêm ngưỡng những sắc hoa đang độ bung nở.
Hoa ban có màu phớt phớt hồng kết hợp với màu tím. Ít ai biết được rằng loài hoa này cũng là một món đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tây Bắc. Ban nở cũng là lúc bà con dân tộc Thái vùng Tây Bắc lên đồi hái về làm thức ăn phục vụ gia đình. Ban trắng, ban đỏ, ban tím, lá ban non đều có thể làm món ăn thường ngày như: Hoa ban xào thịt lợn, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng, mọc hoa ban...
Khi ăn, rau hoa ban có mùi thơm đặc trưng và vị bùi, chát nhẹ. Người dân nơi đây thường kết hợp nó với măng đắng, rau cải hoặc các loại xương, thịt… nhưng được nhiều người ưa thích nhất vẫn là món hoa ban nộm măng đắng. Ngoài ra, khi chế biến các món từ hoa ban, người dân pha trộn gia vị của dân tộc Thái như mắc khén, tỏi, ớt, sả và các loại rau thơm.
Chị Nguyễn An Hiền, bán đặc sản Tây Bắc online Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, với bà con người Thái ở trên Sơn La thì hoa ban là đặc sản. Vào mỗi mùa hoa nở, họ thường hái về tách bỏ đài, chỉ lấy phần nhuỵ và cánh hoa rồi rửa sạch, đem trần qua với nước nóng sau đó chế biến thành nhiều món ăn như: nộm hoa ban, xào tỏi, xào măng, hoa ban nấu canh gà hoặc thịt băm... Thậm chí, hoa có thể làm rau ăn sống.
Hoa ban đều được thu hái từ tự nhiên, hàng rất sạch. Khi ăn sống có vị ngọt, còn nấu chín sẽ cảm thấy vị bùi bùi, ngầy ngậy xen với vị ngọt lúc ăn. Do đó, hoa ban trở thành món ăn quen thuộc của bà con vùng dân tộc trên Sơn La. Với người dân Hà Nội thì món ăn chế biến từ loại hoa này vẫn khá lạ.
Măng ăn một mình thì đắng nhưng ăn cùng hoa ban lại bớt đắng hẳn và ngọt |
Do hoa ban cánh mỏng, lại là hàng tươi nên dễ dập nát. Chưa kể đường xa, vận chuyển được xuống Hà Nội tỷ lệ hao hụt cao. Đây cũng là lý do hoa ban có giá khá đắt đỏ, lên tới 120.000-150.000 đồng/kg tuỳ thời điểm.
Được biết, hoa ban sau khi hái về sẽ được nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa sạch, rồi thả vào nồi canh măng xương trâu đã được om kỹ, có như vậy cánh hoa khi nấu mới không bị nát. Hoa ban nấu canh măng cùng với xương trâu có vị đắng của măng, vị ngọt của xương, vị chát, ngọt bùi của hoa ban tạo ra món ăn đặc sản có hương vị rất riêng.
Là người lên rừng hái hoa ban về bán ở các chợ cóc TP Sơn La, chị Huỳnh Như cho biết: “Cứ đến mùa hoa ban bung nở, tôi lại mang giỏ lên rừng hái về bán kiếm thêm thu nhập. Sau khi hái về, tôi chia hoa ban thành những túm nhỏ đựng trong túi nilon bán với giá 10.000 đồng/túi khoảng 200 gram. Hoa ban được nhiều người ưa thích, bởi các món ăn chế biến từ hoa ban đều có mùi vị đặc trưng riêng biệt”.
Những năm gần đây, hoa ban được một số nhà hàng, quán ăn đưa vào thực đơn để phục vụ du khách. Anh Tuấn Anh - chủ một nhà hàng ở Sơn La cho biết nhà hàng của anh có 2 món đặc sản nổi tiếng từ hoa ban đó là món nộm hoa ban và canh xương trâu nấu măng cùng hoa ban. "Bất cứ du khách nào vào quán của anh cũng phải ăn thử 2 món này. Hoa ban không để được lâu, dễ bị giập nát nên tôi nhập hàng trong ngày, cùng lắm là để ngăn mát trong 2 ngày. Hoa ban tươi thì mới giữ được hương vị thơm ngon".
Hoa ban có thể chế biến thành rất nhiều món ăn làm say lòng người:
Nộm hoa ban rau rừng, người dân thường hái tầm bóp, mùi tàu, rau cải, rau má, măng rừng... và nhiều loại rau không tên khác đem về rửa sạch, bắc lên chõ và đồ. Rau chín, trộn với hoa ban chần sẵn, nêm gia vị, trộn cùng chút lạc rang giã nhỏ là thành món nộm hoa ban rau rừng, vừa mát, vừa ngọt, thơm.
Nộm hoa ban rau rừng, vừa mát, vừa ngọt |
Hoa ban xào măng đắng, thịt bò, người Thái có truyền thuyết về chuyện tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau, đi tìm nhau và chết hóa thành cây ban, cây măng đắng. Kỳ lạ là măng này ăn một mình thì đắng nhưng ăn cùng hoa ban lại bớt đắng hẳn và ngọt, bùi hơn. Măng thái mỏng theo chiều dọc, xào chín rồi đổ thịt bò xào sơ, sau đó cho hoa ban vào đảo qua, thêm chút tỏi, mùi tàu. Bày ra đĩa, mùi măng, mùi thịt quyện rào nhau thơm đến ngẩn ngơ. Món này rất hợp để ăn vào những ngày Mộc Châu mưa lạnh, mịt mù sương khói.
Canh xương nấu hoa ban, món canh này cũng được người Thái sáng tạo từ lâu. Hoa ban hái về được rửa sạch, nhặt từng nhành hoa thả vào nồi nước hầm xương đã ninh nhừ, có một ít măng thái mỏng, rau rừng và không thể thiếu chút gạo nếp ngâm giã nhỏ. Người Thái ít ăn canh suông và đồ luộc, chủ yếu họ làm các món đồ, nướng, vùi tro, gác bếp nên canh cũng phải nấu sền sệt không để lõng bõng nước như nơi khác. Vì thế nồi canh hoa ban bắc xuống nghi ngút khói, sôi lúc búc, sánh quyện giữa gạo, hoa ban và măng đắng, trông rất hấp dẫn.
Salad hoa ban, ở Mộc Châu ngày nay, dân địa phương và một số nhà hàng còn làm thêm salad hoa ban dâu tây. Hoa ban trộn với rau sống, dâu tây và nêm gia vị vừa ăn là trở thành một đĩa salad mát, ngọt, đẹp mắt. Đây là món phù hợp để ăn chơi, khai vị và chống nóng cho tháng 3-4, thời điểm bắt đầu có những cơn gió Lào nắng nóng tràn về.
Lễ hội Hoa Ban sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2022 |
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban 2022 |
Điện Biên tưng bừng khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2022 |