Rau mác (Monochoria hastata) là một loài thực vật có hoa trong Họ Lục bình (Pontederiaceae), phân bố khắp Việt Nam. Ở Nam Bộ cây rau mác sống hoang dại trên các ruộng đất trũng thấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Rau mác chỉ sinh ra ở vùng nước nông êm đềm, mọc thành cụm hoặc rải rác. Vào khoảng tháng 3-5 hàng năm, cây con mọc lên từ thân hoặc hạt dưới đất. Trong mùa mưa, toàn bộ cây có thể ngập trong nước, khi ra hoa phải ra khỏi nước mới có thể thụ phấn được.
Các món ăn từ rau mác
Rau mác được dùng làm rau ăn. Ngọn và lá non dùng làm rau xào, nấu canh, có thể muối dưa. Củ làm thuốc bổ dưỡng, thuốc cầm máu, chữa mụn nhọt.
Rau mác có thể chế biến các món như:
Dùng làm rau sống, bóp gỏi: Bẹ và lá non của cây rau mác có thể dùng làm rau sống để ăn trực tiếp. Bẹ của cây rau mác tuốt lá có thể dùng để bóp gỏi ăn sống.
Dùng để luộc, xào: Bẹ của cây rau mác tuốt lá có thể dùng để luộc, xào với các loại rau rừng khác.
Dùng để nấu canh chua, nấu lẩu: Bẹ của cây rau mát tuốt lá có thể dùng để nấu canh chua và nấu lẩu.
Dùng để muối dưa: Bẹ của cây rau mát tuốt lá có thể dùng để muối dưa chua với rau muống, bông súng...
Bẹ cây rau mác dùng chế biến được nhiều món (Ảnh: Báo Cà Mau) |
Công dụng
Theo Đông y, rau mác có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng , lợi niệu. Ở Việt Nam còn dùng cả cây sắc uống giải nhiệt, chữa cảm nắng. Củ làm thuốc bổ dưỡng, thuốc cầm máu, chữa mụn nhọt.
Cây rau mác chuyên dùng chữa sản hậu chóng mặt, đau nhói trong tim, cũng dùng chữa bệnh lậu có sỏi, chữa ho, ho ra máu nhưng uống nhiều thì có độc. Hoa làm sáng mắt, trừ chứng thấp, đinh độc, trĩ, lậu. Lá dùng chữa thũng độc lâu ngày, trẻ em nổi đơn độc, mụt lở và hôi nách (giã nát đắp vào).
Theo Hải Thượng Lãng Ông thì cây rau mác có dược tính như sau:
Cây thân thảo, lá hình mũi mác.
Hoa trắng to, tập họp thành chùm.
Củ là thuốc bổ, đau tim.
Trĩ, lậu, sản hậu...còn tìm loại chi?
Ở Trung Quốc người ta còn dùng trị sản dịch, an thai và bệnh ngoài da, rắn cắn ong đốt, các loại mụn nhọt ở ngứa, cảm nắng,trị lỵ, viêm ruột, viêm đau lợi răng, sưng amygdal cấp tính, viêm họng.
Cũng là cây rau mác, ở Ấn Ðộ được người dân dùng rễ nhai chữa đau răng, vỏ cây ăn với đường trị hen, dùng dịch lá để chữa mụn nhọt, và cây được dùng làm thuốc chữa bệnh tâm thần.
Còn tại Philippines củ rau mác nấu lấy nước uống để trị đau bao tử và ngậm để trị nhức răng.
Ở Việt Nam, cây rau mác được dùng trong các bài thuốc như
Trị ngứa, nổi mề đay, mẩn đỏ: Củ rau mác và củ mài lượng như nhau, đem 2 loại cạo vỏ, rửa sạch phơi khô, sau đó tán bột thoa lên vùng da tổn thương.
Trị phù thũng: Rau mác phơi khô 20g và rễ Thủy xương bồ 12 g, đem tất cả sắc với nước 600 ml còn 200 ml rồi chia thành 2-3 lần uống/ ngày.
Lưu ý
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, nhất là đối với những người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc khác. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.